TRUNG NAM
LGT: Là dân nghiền khảo cổ, nhất là những gì liên quan đến Việt Nam, chúng tôi luôn bỏ công tìm tòi góp nhặt và dần dà tạo dựng được bộ sưu tập văn hóa Việt Nam đáng kể. Tết năm nay, đáp ứng lời kêu gọi đóng góp một tay của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi, tôi lần mò xem lại kho sử liệu của gia đình và tìm được một báu vật là di bút thư chúc Tết của Cựu hoàng Bảo Đại được in ra từ một bản kẽm quý báu mà tôi rất may mắn mua lại được từ một người bạn thân người Việt Nam, cũng là dân khảo cứu.
Theo lời kể của anh bạn, từ gần nửa thế kỷ qua, anh đã đi khắp nơi trên thế giới, từ Việt Nam đến các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ, để lùng mua các kỷ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, và dân tộc Việt Nam. Khoảng 30 năm trước, trong một chuyến đi sang nước Bỉ, anh có cơ may mua được báu vật quý giá gồm hai bản kẽm trên đó ghi khắc lá thư chúc Tết viết tay của cựu hoàng Bảo Đại. Hai bản kẽm này dùng để in “thư tay” mà Cựu hoàng Bảo Đại muốn gửi cho cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại. Chính vì thế, người dân ở Việt Nam chưa từng thấy lá thư này của vị cựu hoàng đế. Ngay cả chúng ta ở nước ngoài, cũng ít ai đọc được lá thư này. Đọc lại thư không thể không chùng lòng trước hoàn cảnh lịch sử của đất nước thời đó. Xin được chia sẻ với độc giả của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi nhân dịp Xuân về.
Sau đây là nguyên văn thư chúc Tết đầy xúc cảm của cựu hoàng Bảo Đại:
“Monaco ngày 29-1-49
Cùng quốc dân Việt Nam,
Nhân ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Sửu, tôi có mấy lời thân ái thăm chúc toàn thể quốc dân.
Đã hơn ba năm nay, quốc dân đã chịu biết bao gian nan đau khổ. Tuy tôi phải ở nơi hải ngoại, muôn dặm cách xa, tai vẫn thường nghe, lòng từng tưởng đến.
Vâng theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, và thể lòng tin tưởng của quốc dân, tôi nhận đứng ra tìm một giải pháp để đem lại Thống Nhất và Độc Lập cho nước nhà, cùng Hòa Bình và Tự Do cho trăm họ.
Những nỗi hy sinh thống khổ của quốc dân, dẫu quá nặng nề nhưng không phải là vô hiệu quả, và hồn Cổ Việt của mấy ngàn năm cũ vẫn anh linh phù hộ cho giống nòi, nên tôi tin rằng năm Kỷ Sửu sẽ thực hiện những ước vọng mà chúng ta bao năm hoài bảo.
Hỡi quốc dân,
Tự do, Hạnh phúc của đồng bào, Độc lập Thống nhất của tổ quốc, tôi vẫn ra công tranh thủ cho kỳ được. Còn tương lai nước ta được phú cường tất phải do năng lực của quốc dân bồi đắp.
Nay non sông gấm vóc ngàn xưa bị cơn phong ba khốc liệt, mọi nguồn sinh lực phải điêu linh, nhưng lịch sử chứng minh rằng dân Việt ta đã trải qua bao cơn nguy biến rồi lại phục hưng, ấy là nhờ lòng kiên nhẫn và chí quật cường của toàn thể dân chúng.
Hôm nay, ở nơi đất khách, đông tuyết lạnh lùng, chạnh tưởng tới quê hương yêu dấu, tôi muốn cùng quốc dân tưởng niệm đến những anh hùng liệt nữ đã hy sinh cho phận sự và nhắn nhủ quốc dân diệt trừ tư tưởng chia rẽ để đồng tâm hiệp lực kiến thiết nước nhà theo trào lưu tiến hóa.
Tôi mong rằng rồi đây trong quốc vận sẽ mở một kỷ nguyên mới, đồng bào yêu mến Nam phần đất Việt sẽ cùng với anh em Trung Bắc thân ái sum vầy trên lãnh thổ tổ tiên để lại, và ngày hội ngộ của quốc dân cùng tôi sẽ không còn bao xa nữa.
Với tình hữu nghị của dân tộc Pháp, với chí hăng hái của quốc dân ta, nước Việt Nam độc lập và Thống nhất sẽ nhẹ bước trên con đường thái bình và hạnh phúc chân chính, vẻ vang hòa nhịp với liệt cường trên trường quốc tế.
Ấy là những điều tôi chúc vọng thiết tha.”
Bảo Đại
Đôi dòng về cựu hoàng Bảo Đại
Bảo Đại (chữ Hán: 保大), sinh ngày 22/10/1913 mất ngày 31/7/1997, tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (阮福永瑞), là vị hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.
Sau khi Cựu hoàng Bảo Đại thoái vị vào ngày 28/3/1945, ông trở thành “công dân Vĩnh Thụy.”
Ngày 16/3/1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng ông không trở về nước, mà về Côn Minh rồi Hương Cảng.
Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Cựu hoàng Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, mặc dù nghĩa chính xác của từ “độc lập” và các quyền hạn cụ thể của chính phủ mới vẫn chưa được xác định. Chính phủ hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bản “Thanh niên Hành Khúc” với lời nhạc mới làm quốc ca.
Ngày 5/6/1948, cựu hoàng Bảo Đại gặp gỡ Cao ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay Trouin, để đàm phán về nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tháng 1 năm 1949, Bản tuyên ngôn Việt – Pháp được công bố, theo đó nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp.
Sau đó Cựu hoàng Bảo Đại rút lui khỏi các hoạt động chính trị và đi Châu Âu một lần nữa. Ngày 25/8/1948, từ Saint Germain Cựu hoàng Bảo Đại báo cho E. Bollaert biết ông sẽ không quay về Việt Nam nếu Pháp không hủy bỏ chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ và trao trả Nam Kỳ lại cho Quốc gia Việt Nam cũng như nếu ông không nhận được sự đảm bảo của Pháp cho Việt Nam được độc lập.
Ngày 8/3/1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là cựu hoàng Bảo Đại. Ông yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.
Ngày 24/4/1949, cựu hoàng Bảo Đại về nước và tạm thời giữ danh hiệu Hoàng đế.