Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 6

by Tim Bui
Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu - kỳ 6

THANH HIỆP

Tôi và chị Bảy Phùng Há

Không chỉ có dân ghiền cải lương mới biết chị Bảy Phùng Há, một ngôi sao sân khấu tỏa sáng từ nhiều thập niên của thế kỷ 20, mà hầu hết người miền Nam đều biết. Chị không chỉ là người thầy truyền nghề, là tấm gương sáng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, mà còn là người mẹ, người cô đã lo lắng, dìu dắt các đồng nghiệp trẻ suốt sáu thập niên gắn bó với nghệ thuật. 

Tôi có được nhiều cơ hội trò chuyện với chị Bảy, mới biết chị chào đời năm Tân Hợi (30-4-1911) tại vùng đất Mỹ Tho trù phú. Ba của chị là công tử của một đại thương gia người Hoa. Má chị là một cô gái thôn dã sinh ra và lớn lên tại Mỹ Tho, sống gần bên lò gạch của cha chị. Thế rồi công tử đại gia đem lòng thương yêu cô thôn nữ và chị Bảy ra đời mang trong người hai dòng máu Hoa – Việt với cái tên Trương Phụng Hảo.

Chị là con thứ sáu trong nhà nên thường được gọi là Bảy theo cách của người miền Nam. Ba chị hiền lành, gia đình hạnh phúc chẳng may ông bị bịnh nặng qua đời lúc chị mới 5 tuổi. Theo phong tục Trung Hoa, cả gia đình nhà chị phải về Hạc Sơn (Quảng Đông- Trung Quốc) để sống cùng bà nội. Mấy anh chị em của chị phải học tiếng Hoa, do vậy mà chị Bảy  đọc thuộc cả quyển Tam Tự Kinh nhưng để viết chữ Hoa thì chị thú nhận mình “dốt đặc”. 

Năm chị 11 tuổi, vì bà ngoại ở Việt Nam bị bịnh mù đôi mắt nên chị theo má về quê thăm bà ngoại. Lúc đó bên gia đình bà nội không bằng lòng, mấy anh của chị không ủng hộ. Chỉ có chị Bảy sẵn sàng theo má, có lẽ vì vậy mà chị Bảy nói mình không được bên nội thương!

Về quê ngoại, gia sản của gia đình chị đã bị người thân sang đoạt, nên chị và má phải sống trong cảnh bần hàn. Thấy má luôn ốm đau mà vẫn phải làm lụng để nuôi chị, nên chị giúp má bằng cách thôi không di học nữa mà đi bán bánh, xúc tép, bắt cua… để phụ giúp. Nhưng gia cảnh quá cơ cực đến độ má chị phải bán nhà mới đủ tiền chữa bịnh cho bà ngoại. Dì Tư, em kế của má chị, lúc đó đã dắt chị Bảy đến lò gạch xin làm công việc in gạch.

Nhờ có giọng ca, cứ líu lo hát mỗi ngày mà chị Bảy được bà con trong lò gạch thương. Họ xúm nhau in và bưng dùm chị những thiên gạch nặng. Tưởng đâu chuyện hát hò chỉ để giúp vui mấy cô, mấy chú trong lò gạch, ai dè tới tai thân sinh của ông Hai Giỏi là ông Hai Cu, bầu gánh hát Tái Đồng Ban, một gánh hát khá nổi tiếng thời đó. Ông tìm tới tận lò gạch ngắm chị Bảy rồi vô nhà xin má chị cho theo gánh hát. 

Việc ông bầu gánh hát Tái Đồng Ban tới tận nhà để xin cho chị “đi hát” đã giúp cho chị một bước ngoặt của cuộc đời. Giá như ông Hai Cu không tới nhà, không đưa chị vô gánh hát thì ngày nay chúng ta không có nghệ sĩ Phùng Há! Giá như gia cảnh chị không bần hàn liệu má có cho chị đi theo gánh hát không? Bởi thời đó nghề ca hát là cái nghề không được mọi người “thương yêu” như bây giờ. Đi hát là phải rày đây mai đó, đời sống giang hồ gạo chợ nước sông. Không cha mẹ nào lại thích con cái theo nghề này. Nhiều bậc cha mẹ còn dặn dò con trai là “chớ theo gánh hát, đừng hút á phiện” vì hai thứ này chỉ làm hại con người chớ không giúp ích gì! Nhưng cái duyên đưa đẩy đã làm cho đời chị sang một trang mới và xã hội chúng ta có thêm một tài năng.

Năm má cho phép theo gánh hát của ông Hai Cu là năm 1924, khi đó chị Bảy mới 13 tuổi. Về gánh Tái Đồng Ban chị được làm đào chánh đóng cặp với kép chánh là anh Năm Châu (Nguyễn Thành Châu). Ông cũng là người gợi ý chị lấy tên Phùng Há làm nghệ danh. Phùng Há là tiếng Quảng Đông khi đọc hai chữ Phụng Hảo, tên tộc của chị. Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, nghệ sĩ  Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi (tức là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung) là những người thầy đầu tiên của chị trong đời làm nghệ thuật. Năm Châu và Tư Chơi cũng chính là 2 người đàn ông có mặt đầu tiên trong cuộc đời tình ái của chị.

Vai đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của chị là vai Giả Thị trong tuồng cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề QuânMổ tim Tỷ CanAnh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượngTội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, chị đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và rất được công chúng rất yêu thích.

Năm 1926, chị cùng Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du về gánh Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa. Cùng năm này, chị kết hôn với Tư Chơi. Không lâu sau thì anh Năm Châu rời gánh Trần Đắc.

Năm 1929, chị ly dị, rồi kết hôn với ông Lê Công Phước, còn được gọi là Bạch Công Tử vốn trắng trẻo hơn Hắc công tử Trần Trinh Huy. Khét tiếng ăn chơi từ Pháp về Việt Nam nhưng ông Phước rất mê cải lương. Ông mê cô đào Phùng Há như điếu đổ. Khi cưới chị rồi, ông lập gánh hát Huỳnh Kỳ cho chị làm bầu để tránh những “cặp mắt cú vọ” dòm ngó vợ mình. Khi đó chị mới 18 tuổi!

Chuyện ngoài lề. Những năm 1960, cũng có một công tử mê cải lương và “chơi sang” không thua các đàn anh. Đó là ông Năm Thành, con trai của bà Bút Trà, chủ báo Sài Gòn Mới. Lúc đó, Thanh Nga vừa mới nổi lên, ông Năm Nghĩa chồng bà bầu Thơ là cha dượng của Thanh Nga, vừa viết tuồng mới nhưng chưa có tiền dựng tuồng. Biết chuyện, ông Năm Thành cho tiền dựng tuồng rồi “bao vé” luôn tuồng này trong ba tháng liền! Ông Tô Văn Mạnh, một nhân viên của báo Sài Gòn Mới, kể “anh em trong tòa soạn báo Sài Gòn Mới, những người quen biết, liên quan tới tờ báo, “bị coi” cải lương suốt mấy tháng ròng. Ngán muốn chết!”. Nhưng dù vậy, ông Năm Thành vẫn không o được cô đào Thanh Nga!

Gánh Huỳnh Kỳ quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ, như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne… Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở Lục tỉnh Nam Kỳ. Ông Phước cũng xây rạp hát Huỳnh Kỳ, kế bên nhà của ông ở Mỹ Tho để làm nơi gánh Huỳnh Kỳ diễn thường xuyên. Nay rạp vẫn còn.

Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy để chở đào kép đi lưu diễn và trang trí như du thuyền. Theo mô tả thì chiếc ghe đi đầu chở Bạch công tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép thì đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh… Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội đá banh. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công tử lấy súng lục bắn lên trời mấy phát liền. Sau đó, trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội banh đấu giao hữu với đội banh địa phương, nhằm thu hút khán giả tối đi coi hát. Và dù thắng hay thua, đội bạn cũng được chiêu đãi và mời coi hát. Khi gánh hát dời đi nơi khác, Bạch công tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả thì đứng chen trên bờ vẫy tay chào.

Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia… đều có gánh hát tới.  
Tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ, Phùng Há vai Bạch Thu Hà, đây cũng là vai để đời của chị.

Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng người dân miền sông nước, gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công tử còn thu hút được khán giả Sài Gòn. Trong hồi ký Nổi trôi trong ánh đèn màu, nghệ sĩ Bảy Nhiêu đã viết: “Đến 3 giờ chiều thì vé các hạng của gánh Huỳnh Kỳ đều hết. Nhiều người thất vọng đón buổi tối để mua cho được vé đêm mai”.

Điều tôi muốn nói khi viết về chị Bảy Phùng Há chính là lòng biết ơn sâu sắc đối với chị về nghĩa cử cao quý của việc xây dựng ba công trình lớn cho giới sân khấu miền Nam, mà trong đó công lao của chị rất lớn, đó là Ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ sân khấu; Nghĩa trang chùa Nghệ sĩ và Khu dưỡng lão nghệ sĩ. Nếu không có những ý kiến của chị, chắc gì ngày nay giới nghệ sĩ Sài Gòn có những công trình này.

Chị Bảy sống khiêm tốn. Biết tôi là soạn giả cấp tiến, thích học hỏi, nên những lần gặp gỡ đều kể cho tôi nghe về những ngày chị mới đi hát. Chị cho rằng mình học rất ít nên so với anh em trong đoàn chị chẳng bằng ai. Nhưng chị được cái sáng dạ nên được ông bầu giao đóng toàn vai chính. Nhớ hồi năm 1923, đi chợ mỗi ngày chỉ tốn có mấy xu mà một đêm hát chị Bảy lãnh được 8 cắc (10 xu là một cắc). Chị vừa học tuồng, vừa học chữ. Còn nghề thì được anh Năm Châu và mấy anh chị nghệ sĩ tiền phong thời đó chỉ dạy. 

Tôi nhớ anh Năm Châu, ảnh giỏi nghề nên nhiều khi thúc chị Bảy chạy theo muốn hụt hơi. Nhớ nhất vai Thúy Kiều, Điêu Thuyền rồi đến vai vợ của Hoàng Phi Hổ…, chị Bảy chịu ảnh hưởng từ việc ca diễn của anh Năm Châu. Ảnh chỉ vẽ cho chị Bảy nhiều đường nét sáng tạo. Sau này còn có anh Hai Trần Văn Khê, một người uyên bác về học thuật, một “con mọt” âm nhạc truyền thống có ích cho xã hội. Tôi còn nhớ sau lần chị Bảy cùng với kỳ nữ Kim Cương và anh Hai Trần Văn Khê đi diễn ở Đức trích đoạn “Phụng Nghi Đình” (năm 1964), về đến Sài Gòn chị Bảy đã tìm gặp tôi kể chuyện. Chị kể khi đó chị đóng vai Lữ Bố, Kim Cương đóng Điêu Thuyền, anh Hai Trần Văn Khê giỏi tiếng Pháp nên đã phân tích về nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam cho khán giả bản địa. Tuy là tuồng Tàu nhưng đường nét, kỹ thuật, cách ca diễn rất Việt Nam. Năm đó cũng có đoàn Đài Loan dự Hội nghị sân khấu tại Đức, họ cũng mang theo trích đoạn “Phụng Nghi Đình”, nhưng khi chị Bảy ca diễn với kỳ nữ, cả hội nghị đều cổ vũ nồng nhiệt. 

Tôi còn nhớ chị Bảy kể khán giả tại Đức khen nhất là cách sáng tạo để lấy cái hay của mình làm phong phú thêm vốn liếng tinh hoa của nhân loại. Năm chị Bảy tổ chức lễ mừng thọ 90 tuổi tại Hội Sân khấu Sài Gòn, cuộc tao ngộ giữa chị Bảy, anh Hai Trần Văn Khê và kỳ nữ Kim Cương thật là ấm áp. Tôi có mặt trong buổi lễ đó, lúc này anh Hai Trần Văn Khê về Sài Gòn dạy học ở trường Hùng Vương, tôi lại được diện kiến anh sau lần lưu diễn tháng 2 năm 1984 theo lời mời của Tổ chức UNESCO, sân khấu Việt Nam đưa tuồng, chèo, cải lương sang tham dự đợt giao lưu văn hóa nghệ thuật tại các nước Châu Âu. Tôi rất xúc động nhớ lại chuyến đi đó, anh Hai tận tình tạo mọi điều kiện giúp cho đoàn nghệ sĩ chúng tôi, dù lúc đó rất đông kiều bào biểu tình phản đối. Họ còn nặng lòng về những khác biệt chính kiến khi dòng người tị nạn ồ ạt đổ đi các nước, họ cho rằng đoàn chúng tôi là “văn công Việt cộng” đem chuông đi đánh xứ người. Năm đó cũng là năm anh Thành Được định cư tại Đức, sau đó sang Mỹ. 

Chị Bảy cũng như anh Hai Trần Văn Khê luôn là hai ngọn đuốc sáng của giới nghệ sĩ chúng tôi. Cả hai anh chị đều muốn nhắn nhủ các nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ phải biết trau dồi kiến thức làm đẹp cho nghề. Chị Bảy gặp tôi thường hay nhấn mạnh bây giờ công chúng được tiếp xúc với nhiều phương tiện giải trí hiện đại, nghề hát cứ ăn mòn những cái có sẵn mấy chục năm qua thì sẽ tuột lại phía sau. Còn quá khứ vinh quang cũng chỉ là kỷ niệm, có nhắc lại cũng chỉ để mua vui vài trống canh cho người xem hoài niệm về mình. 

Khi chị Bảy và tôi ngồi ở rạp Hưng Đạo, ngôi rạp được xây dựng năm 1960, lúc đó tôi và chị có mặt trong dàn đại biểu cắt băng khánh thành khi đoàn của chị Bảy Kim Chưởng khai trương tuồng “Hai cánh én mùa xuân” mà Hùng Cường, Minh Chí, Ngọc Giàu còn trẻ măng. Cũng tại cái rạp hát đó, tôi thích nhất là được xem một buổi tập hợp tất cả những học trò thân thương của mình, từ Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Út Bạch Lang, Diệp Lang… đến Thanh Thanh Tâm, Ngọc Huyền, Kim Tử Long…, nghe chị Bảy nói về việc truyền nghề. Chị Bảy vui mừng vì em cháu đã biết chắt lọc, sáng tạo, vun vén cho nghề những sáng tạo mới. Chị Bảy nhớ đến ngôi sao sân khấu Thanh Nga, người học trò cưng bên cạnh một ngôi sao sáng rực thời đó là “Chi bảo cải lương” Bạch Tuyết.

Từ sự giới thiệu của chị Bảy, tôi được bà bầu Thơ mời về dạy cho Thanh Nga diễn xuất. Vì chị Bảy nói ngoài việc viết tuồng tôi còn có khả năng phân tích tính cách, tâm lý nhân vật, để rồi từ việc dạy Thanh Nga diễn, tôi sẽ “đo ni đóng giày” cho Thanh Nga với kịch bản “Hoa Mộc Lan tùng chinh”. Thiên hạ rần rần kéo đến xem Thanh Nga diễn cải lương Hồ Quảng. Ngoài tiền tác quyền hàng đêm hậu hỉ, bà bầu Thơ còn thưởng nóng cho tôi 3 lượng vàng.

(còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights