JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, thâu tóm First Republic Bank

by Vy Trần

Ngày 1-5, Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ (FDIC) thông báo tiếp quản Ngân hàng First Republic Bank (FRB) và bán phần lớn hoạt động của FRB cho cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Thỏa thuận chóng vánh này nhằm ngăn chặn một cú sụp đổ hỗn loạn, có thể khơi dậy lại cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại các quy định siết chắt quản lý ngành ngân hàng trong thời gian tới và và tình trạng hạn chế cho vay có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ vốn đang mong manh.

JPMorgan cho biết sẽ tiếp quản tất cả 92 tỉ đô la Mỹ tiền gởi ở FRB bao gồm cả những khoản tiền không được bảo hiểm. Ngân hàng này cũng mua lại hầu hết tài sản của FRB, bao gồm khoảng 173 tỉ đô tiền cho vay và 30 tỉ đô la chứng khoán.

Như một phần của thỏa thuận, FDIC nhất trí chia sẻ với JPMorgan về khoản lỗ đối với các khoản cho vay của FRB. FDIC ước tính sẽ thiệt hại 13 tỉ đô la trong thương vụ này. JPMorgan sẽ nhận được khoản vay hỗ trợ 50 tỉ đô la từ FDIC với thời hạn 5 năm.

FDIC thông báo 84 chi nhánh của FRB ở 8 bang mở cửa trở lại vào hôm 1-5 nhưng sẽ thuộc sở hữu JPMorgan. Khách hàng có thể tiếp cận đầy đủ các khoản tiền gửi của họ. Động thái này bảo vệ những người gửi tiền FRB  nhưng có thể khiến các cổ đông của ngân hàng này mất trắng. Cổ phiếu của First Republic bị tạm dừng giao dịch vào sáng 1-5.

FRB, có trụ sở tại San Francisco, là ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ trong lịch sử Mỹ do làn sóng rút tiền của khách hàng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank.

FRB ghi nhận khách hàng đã rút khoảng 100 tỉ đô la tiền gửi trong tháng 3. Vấn đề của ngân hàng này không chỉ là khoản đầu tư trái phiếu đang bị thua lỗ hàng tỉ đô la trên sổ sách, mà còn là khoản cho vay thế chấp khổng lồ đối với khách hàng giàu có.

Trước đây, FRB đã cho vay thế chấp với lãi suất cực thấp và cho phép khách hàng không trả nợ gốc trong 10 năm đầu tiên. Giờ đây, khi lãi suất tăng nhanh chóng, khoản cho vay thế chấp đó mất giá nghiêm trọng. Tính đến quí 1, JPMorgan có 2,4 nghìn tỉ đô la tiền gửi. JPMorgan giải thích ngân hàng này tham gia đấu giá mua lại FRB vào hôm 28-4 theo đề nghị của FDIC để giúp ổn định hệ thống tài chính.

JPMorgan sẽ ghi nhận khoản lãi một lần 2,6 tỉ đô la từ thương vụ thâu tóm FRB, nhưng dự kiến chi 2 tỉ đô la cho chi phí tái cấu trúc trong 18 tháng tới.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights