Westminster – Little Sài Gòn, nơi đất lành chim đậu

by Tim Bui
Westminster – Little Sài Gòn, nơi đất lành chim đậu

TONY BÙI

Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời…”

Lời than trong bài “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” của Nhạc sĩ Nam Lộc là nỗi ngậm ngùi chung của hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam đã liều chết vượt biên, vượt biển, mong thoát khỏi chế độ cộng sản để tìm tự do.

Sau khi chiếm được miền Nam, “phe thắng cuộc” đã cố tình xóa tên thành phố Sài Gòn và thay vào bằng một tên lạ hoắc, vớ vẩn, nhưng thật ra thì họ đã hoàn toàn thất bại trong chính sách xóa đi cái tên lịch sử này.

Bằng chứng là ngày nay người dân Việt Nam ở bất cứ đâu cũng vẫn hoài nhớ về sự tráng lệ, lịch sự, văn minh của Sài Gòn xưa, một “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong khi Singapore lúc ấy chỉ là một làng chài lưới nghèo nàn. Năm 1960 Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói ông mơ ước Singapore chỉ cần được như một phần của Saigon là đã hài lòng lắm rồi. 

Người Việt hải ngoại thì khỏi nói rồi. Nhưng giới trẻ ở Việt Nam cũng thích nói chuyện với nhau bằng giọng Sài Gòn. Đặc biệt là thanh niên thiếu nữ Việt Nam rất ngờ vực về thành quả của cách mạng khiến họ long đong nửa đời người. 
Không lấy gì làm lạ khi danh từ Sài Gòn được dùng thoải mái trong phim ảnh, trong sinh hoạt công cộng đến nỗi nhà nước cộng sản phải làm ngơ và bó tay luôn, vì với nhiều người chúng ta, hai từ “Sài Gòn” mang dấu ấn của một nếp sống văn minh đầy tính bao dung, vị tha đầy nhân bản.

Sài Gòn sống mãi

Với tôi, Sài Gòn thắng chứ không thua, vì hai từ “Sài Gòn” đến giờ còn tồn tại trong ngôn ngữ Việt, khi dấu ấn của một nền văn hóa đầy hồn dân tộc và nhân bản sống mãi trong lòng mọi người Việt Nam khắp năm châu. 

Bất cứ nơi nào có đông người Việt sinh sống là nơi đó trước sau cũng trở thành một phiên bản mới của Sài Gòn, với những khu buôn bán sầm uất, đầy ắp những sinh hoạt văn hóa giống thành phố Sài Gòn ngày xưa: Tết Tây, Tết Ta, Lễ tưởng niệm  chiến thắng Đống Đa của Vua Quang Trung, Lễ Hội Hai Bà Trưng, Lễ Phật đản, Tết Trung Thu, Lễ ĐứcTrần Hưng Đạo, Giáng Sinh, v.v…

Những người Việt tha hương đến Mỹ tị nạn sau 48 năm dài, nhờ cần cù học hỏi, và siêng năng làm việc nên đa số ai cũng thành công vượt mặt người bản xứ về nhiều phương diện.

Người Việt ở Mỹ quy tụ nhiều ở những nơi như Westminster, Garden Grove, Los Angeles ở Nam California, San Jose, San Francisco ở Bắc California, và Houston, Dallas, Austin thuộc tiểu bang Texas, rồi New York, Virginia…

Nhưng dù sinh sống ở đâu, khi có dịp, người Việt chúng ta đều thích đến thăm Little Sài Gòn giữa lòng thành phố Westminster, nơi có khu thương mại lớn là Asian Garden Mall, tức khu Phước Lộc Thọ, với diện tích khoảng 160,000 square feet (15.000 mét vuông).

Mua sắm, ăn thức ăn Việt, nghe nhạc Việt, và có cảm giác, dù chỉ trong phút giây, là mình đang ở Việt Nam, là một số lý do tại sao dần dà Little Sài Gòn đã thành một điểm đến của người Việt khắp nơi trên thế giới, nhất là vào những dịp lễ Tết, vì Little Saigon vừa có chợ hoa náo nhiệt, có những tràng pháo nổ tưng bừng, có diễn hành Tết Parade đón, cùng hội chợ Tết Sinh viên, nơi mọi người cộng đồng cùng vừa tụ họp vui chơi vừa như được sống lại không khí những ngày còn ở quê nhà. 

Nếu ghé đến đây trong thời gian đầu năm, du khách có thể sẽ bị cuốn hút vào diễn hành Tết Việt Nam với khán đài lộng lẫy và những tràng pháo dài hơn 30 thước nổ dòn tan trong ngày mùng Một Tết.

Và dấu ấn của người Việt chúng ta lên Little Sài Gòn sẽ ngày càng rõ nét. Được biết, ban Giám Đốc khu Phước Lộc Thọ đã xin phép thành phố để dựng thêm một cột cờ Việt Nam Cộng Hòa tung bay cạnh cột cờ Hoa Kỳ trong tương lai gần.

Đất lành chim đậu

Nếu thành phố Westminster và những vùng lân cận là nơi đất lành cho đàn chim người Việt tị nạn đậu vào những năm giữa thập niên 70s, thì qua gần 50 năm làm tổ, người tị nạn chúng ta cũng đã trả ơn thành phố bằng cách biến vùng đất quanh Little Sài Gòn trước năm 1950 chỉ là những bãi đất trồng dâu hoang vu thành một khu buôn bán sầm uất.

Sau tháng 4, 1975 trại tị nạn Pendleton gần San Diego đã giúp hàng trăm ngàn người Việt tị nạn đến miền đất mới lạ ấm cúng có sông hồ, biển núi đó là vùng Orange County, tức Quận Cam, Nam California.

Tại Quận Cam, thành phố Westminster được người Việt tỵ nạn đi tiên phong chọn, vì đây là đất nông nghiệp giá rẻ, nhà cửa khang trang, có nhiều khu thương mại chạy dài theo con đường Bolsa. Trên con đường Moran thời đó cây cỏ um tùm, nhiều người Việt hồi đó liều mình mở tiệm sửa xe, và nhờ vậy mà khu này ngày nay còn được xem là “Phố sửa xe.”  Rồi nhiều cửa hàng tạp hóa, chợ siêu thị và các nhà hàng thi nhau mọc lên. Từ từ nhiều cơ sở thương mại thành công và rồi kết nối thành Little Saigon.

Có nhiều lý do khiến Little Sài Gòn được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn. Westminster có tổng dân số 90,195 (năm 2021) người, trong đó hơn 40,200, tức 43.8%  là người Việt Nam. 
Đây cũng là thành phố đầu tiên có người Thị trưởng Mỹ gốc Việt được cư dân tín nhiệm qua lá phiếu là ông Tạ Đức Trí, nay đã rời chức vụ này để trở thành một dân biểu tiểu bang Hoa Kỳ. Hiện Westminster được Thị trưởng Charlie Mạnh Nguyễn cùng nhiều nghị viên Mỹ gốc Việt chung sức điều hành.

Sự đóng góp của người Việt

Chính nhờ dân số người Việt quy tụ đông và cộng đồng người Việt ở đây đóng góp khá nhiều vào ngân sách sinh hoạt của thành phố qua Sales taxes, Properties taxes, Building Permit taxes…  nên nhiều doanh nhân Việt hăng hái đề nghị chương trình phát triển vào thành phố. Những đề nghị này được Hội đồng thành phố duyệt xét công khai, quyết định minh bạch theo tinh thần dân chủ, nghị luận trong các buổi họp hàng tháng City Council Meeting.

Vào ngày 27/1/2024 với sự đề nghị của cư dân, Hội đồng Thành phố Westminster đã chấp thuận đặt thêm một số tên đường Việt Nam đi kèm dưới tên của đường phố.

Mục đích chính của đề nghị này là để giới trẻ người Mỹ gốc Việt luôn nhớ đến nguồn lịch sử oai hùng của cha ông, và biết rằng Việt Nam từng đánh đuổi quân Tàu, Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh…
Thành phố Westminster, vì vậy từ đây có đường Trần Hưng Đạo (Bolsa Avenue), đường Tự Do (Moran Street) đường Lê Lợi (Weststate Street). Và tại thành phố Garden Grove có tên đường Quang Trung, nằm trên đường Euclid, giữa Westminster và Hazard. 

Nhưng đóng góp quan trọng nhất của người Mỹ gốc Việt vào khu Little Sài Gòn, phải nói là sự tích cực tham gia vào chính quyền địa phương của cộng đồng.

Người Mỹ gốc Việt đầu tiên ứng cử vào chức vụ nghị viên của thành phố Westminster là ông Tony Lâm đã, và sau đó, nhiều thế hệ trẻ tiếp nối.

Thành phố Westminster được chia ra thành 4 district có 4 người nghị viên được bầu ra  với nhiệm kỳ 4 năm. Và thị trưởng được toàn cư dân bầu 4 năm một lần. Mười hai năm trước Thị trưởng là ông Tạ Đức Trí, và ông tiếp tục giữ chức vụ này trong nhiều nhiệm kỳ. Sau đó từ năm 2022 ông Charlie Nguyễn Mạnh Chí bắt đầu đảm nhận chức Thị trưởng.

Một thành phố lớn mạnh không chỉ nhờ vào tiền thuế của dân chúng, và còn cần đến sự đóng góp nhân lực, vật lực của nhiều người.

Westminster cũng như các thành phố khác cần đến sự góp sức của cư dân trong việc xung phong đảm nhận cộng tác trong các Advisory Boards như : Kế hoạch (Planning Commision), Giao thông (Traffic Commision), Công viên (Recreation and Park Commision), Văn hóa Xã Hội (Cultural and Art Committee),Giao tế Nhân sự (Personnel Board), Sinh hoạt Thanh niên (Youth Committee),  Duyệt xét Tài Chánh Measure Y (Measure Y- Citizens Oversight Committee).

Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp viết về vai trò của thành viên trong những Advisor Boards trong bài kế tiếp.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights