Truyền thông: Cánh tả, cánh hữu và lòng tin của độc giả

by TYTNT

HÀ GIANG

Truyền thông Mỹ (và có lẽ ở nhiều nước khác), khi đưa tin liên quan đến chính phủ và chính trị, có sự khác biệt rõ rệt về hệ tư tưởng, vì vậy được phân loại thành cánh tả (left), cánh hữu (right), những cơ quan hoặc đứng giữa, hoặc có khuynh hướng hơi nghiêng về một phía.

Trong biểu đồ dưới đây, AllSides xếp những cơ quan truyền thông lớn của Mỹ vào một trong 5 cột , từ trái: Cực Tả, Tả, Cân bằng, Hữu và Cực Hữu. CNN (mục bình luận), và HuffPost, được xếp vào hạng cực tả, CNN (mục tin tức) và ABC được cho là tả, BBC và Reuters được cho là cân bằng, Fox News và Newsmax được cho là hữu, còn Fox News (mục bình luận) và The Daily Caller được cho là cực hữu.

Pew Research Center, trong khi đó, cũng chia độc giả thành 5 loại: Hết sức Cấp Tiến (Consistently Liberal), Nghiêng về Cấp Tiến (Mostly Liberal), Trung Dung (Mixed), Nghiêng về Bảo Thủ (Mostly Conservative) và Hết sức Bảo Thủ (Consistently Conservative).

Như vậy, không chỉ có sự khác biệt trong cách những cơ quan truyền thông đưa hay bình luận tin, mà cách tiếp nhận (hay không tiếp nhận) tin từ các nguồn khác nhau này của độc giả còn có sự khác biệt rất lớn, tùy theo quan điểm và khuynh hướng chính trị của họ.

Truyền thông cánh tả, cánh hữu khác nhau thế nào?

Cánh tả, nói chung, là khuynh hướng chính trị ủng hộ những ý tưởng như cấp tiến, bình đẳng, quyền con người, sự cấp tiến, cải tổ, và toàn cầu hóa. Cánh tả cũng cho rằng xã hội có những bất công vô lý cần được giảm thiểu, quan tâm đến giới bị cho là thiệt thòi, và ủng hộ sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế.

Cánh hữu, ngược lại, có khuynh hướng ủng hộ những quan niệm như quyền lực, đẳng cấp, trật tự xã hội, bổn phận, truyền thống, và chủ nghĩa dân tộc. Cánh hữu cho rằng bất bình đẳng xã hội là hệ quả tất nhiên phải có của đẳng cấp, là điều không những không thể tránh khỏi, mà còn nên duy trì. Cánh hữu muốn giảm thiểu sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế.

Với sự phân cực khá rõ này, người xem tin có khuynh hướng tin tưởng hoặc không tin vào những nguồn tin họ tiếp cận.

Theo một thăm dò của Pew Research, khi được hỏi đâu là nguồn tin đáng tin cậy nhất về chính phủ và chính trị, 16% người đọc nói thích xem CNN, và 14% nói thích xem Fox News. Ngoài việc chọn nguồn tin, sự khác biệt giữa độc giả cánh tả và cánh hữu còn được thấy ở cả mức độ phụ thuộc vào một nguồn tin.

Giới Bảo Thủ khi xem tin thường dựa vào một nguồn

Vẫn theo Pew Research, giới có khuynh hướng chính trị Rất Bảo Thủ thường chỉ xem tin từ một nguồn duy nhất — Fox News — ở mức độ cao hơn nhiều so với người thuộc các giới Rất Cấp Tiến, Nghiêng Cấp Tiến, Trung Dung, và Nghiêng Bảo Thủ.

Gần một nửa (47%) giới Rất Bảo Thủ xem Fox News là nguồn chính của họ cho những tin liên quan đến chính quyền và chính trị. Rất ít người trong giới này đọc thêm nguồn tin nào khác, chỉ khoảng 11% nói họ nghe radio, đa số là những đài cánh hữu. Giới Nghiêng Bảo Thủ tuy xem Fox News là nguồn tin chính (31%), nhưng cũng thỉnh thoảng xem qua CNN (9%), truyền hình địa phương (6%) , đài phát thanh (6%) và Yahoo News (6%).

Ngược lại, trong giới thuộc phe cánh tả, không nguồn tin duy nhất nào chiếm được ưu thế. Thay vào đó, giới này đọc tin từ nhiều nguồn, với tỷ số khá tương đương. CNN (15%), NPR (13%), MSNBC (12%) và New York Times (10%) là những cơ quan truyền thông xếp hạng gần đầu danh sách.

Giới tự mô tả là mình có khuynh hướng Trung Dung (tôn trọng hai quan điểm cấp tiến lẫn bảo thủ) cũng xem tin từ nhiều nguồn. Trong nhóm này, CNN (20%) và truyền hình địa phương (16%) là những nguồn tin thường xuyên được nêu tên nhất, với một danh sách dài các nguồn tin tức khác, kể cả Fox News (8%).

Sự hiểu biết của công chúng về chính phủ và nhận định chính trị, như vậy, bị ảnh hưởng khá nhiều bởi mức độ mà họ tin – hoặc không tin vào – thông tin mà họ tiếp nhận từ các nguồn tin khác nhau.

Mức độ tin vào các cơ quan truyền thông

Nhìn chung, nghiên cứu của Pew Research cho thấy độc giả có khuynh hướng tin các nguồn tin họ chọn để xem hơn là không tin. Nhưng có sự khác biệt đáng kể về mức độ tin tưởng và sự ngờ vực giữa hai phe tả và hữu.

Pew Research hỏi người tham gia cuộc nghiên cứu là họ có biết gì về 36 cơ quan truyền thông lớn không (xem bảng). Và nếu đã từng nghe, thì câu hỏi kế tiếp là có tin vào những cơ quan truyền thông đó không. Kết quả cho thấy, đa số biết về 21 trong số 36 cơ quan truyền thông được nêu tên, và mức độ tin vào những nguồn tin này cao hơn mức ngờ vực: 7.3% tin so với 4,6% không tin, trong khi đó 8,7% nói họ không tin mà cũng chẳng ngờ vực.

Những nguồn tin được giới trung dung tin cậy nhất thường là những cơ quan truyền thông lớn. CNN, ABC News và NBC News được ít nhất 50% người xem tin tưởng.

Trong khi giới theo chủ nghĩa Rất Cấp Tiến tin vào CNN, NBC News và ABC News ở mức độ tương đương – hoặc cao hơn giới khác một chút, đây không phải là những nguồn đáng tin cậy hàng đầu của họ. Thay vào đó, ba cơ quan truyền thông công cộng – NPR (72%), PBS (71%) và BBC (69%) – được giới này cho là đáng tin nhất, vì sự cân bằng và không thiên vị trong cách đưa tin. New York Times cũng được tín nhiệm cao (62%). Nói tóm lại, nhiều cơ quan truyền thông (chín trong số 36) đạt được tỷ lệ ủng hộ cao (hơn 50%) từ giới Rất cấp tiến hơn bất kỳ nhóm hệ tư tưởng nào khác.

Giới Nghiêng Cấp Tiến nói chung cũng tin vào những cơ quan truyền thông trên, nhưng với tỷ lệ cao hơn. Khoảng 2/3 trong số họ tin vào CNN ở mức 66%, NBC News 63%, ABC News 59% và CBS News 55%.

Mặt khác, giới bảo thủ tin vào Fox News một cách mãnh liệt và hết sức trung thành với cơ quan truyền thông này. Trong nhóm Nghiêng Bảo Thủ, Fox là nguồn tin duy nhất được đa số tin tưởng (72%). Lòng tin vào Fox News còn cao hơn nữa trong giới Rất Bảo Thủ, đến gần chín phần mười (88%) – mức độ tín nhiệm cao nhất mà bất kỳ giới xem tin nào dành cho một nguồn tin. Đặc biệt, người trong giới Rất Bảo Thủ tin nhiều nhất vào các chương trình phát thanh của Sean Hannity (62%), Rush Limbaugh (58%) và Glenn Beck (51%), tuy nhiên những chương trình này có phạm vi tiếp cận khán thính giả hẹp hơn Fox News rất nhiều.

Trong nhóm độc giả được xếp hạng Trung Dung hay Nghiêng Bảo thủ, đa số cho biết họ không bất tín nhiệm hẳn một nguồn tin nào. Ngược lại sự ngờ vực hai nhóm độc giả Rất Bảo Thủ và Rất Cấp Tiến dành cho một số cơ quan truyền thông đạt mức khá cao, dù đối tượng bị ngờ vực của hai nhóm hết sức khác nhau: Fox News hoàn toàn không được giới Rất Cấp Tiến tin tưởng (81% nghi ngờ), trong khi đó MSNBC hầu như hoàn toàn không được giới Rất Bảo Thủ tin tưởng (75% không tin). CNN bị khoảng 61% giới Rất Bảo thủ bất tín nhiệm. 50% trong giới này cũng không tin tờ New York Times. Ngược lại, và không có gì ngạc nhiên, mức bất tín nhiệm Giới Rất Cấp Tiến dành cho các chương trình phát thanh sau đây rất thấp: Rush Limbaugh (75%), Glenn Beck (54%) và Sean Hannity (54%), trong khi đây là những chương trình được giới Rất Bảo Thủ hết sức tin tưởng.

Truyền thông ảnh hưởng gì đến nước Mỹ?

Sự khác biệt trong cách đưa và bình luận tin của giới truyền thông và lòng tin (hay ngờ vực) của quần chúng dành cho các cơ quan được cho là gây ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ, vì điều này ảnh hưởng xâu xa đến nhận thức của quần chúng về những gì đang xảy ra.

Theo một thăm dò gần đây, do hai tổ chức Gallop và Knight Foundation thực hiện với 20,000 người Mỹ, 84% người được tham gia cho rằng truyền thông là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ đất nước. Nhưng cũng khoảng 84% trong số này nói rằng truyền thông “cũng có khả năng chữa lành” sự rạn nứt đó.

Kết quả thăm dò còn cho thấy nhiều người Mỹ nhận định báo chí có thành kiến chính trị rõ ràng. 86% dân Mỹ tin rằng về nội dung chính trị, đa số các cơ quan truyền thông có khuynh hướng nghiêng về cánh tả hay cánh hữu. 49% người tham tham gia cuộc thăm dò nói rằng truyền “rất thiên vị”, trong khi 37% nói “khá thiên vị.”

“Trong khi dân Mỹ ngày càng coi trọng vai trò của truyền thông trong nền dân chủ của đất nước,” nghiên cứu của Gallop và Knight Foundation viết, “họ đang mất dần niềm tin vào kỳ vọng là sẽ có nhiều cơ quan truyền thông khách quan, khi với cái nhìn của họ, sự thiên vị của báo chí ngày càng tăng.”

Chủ trương của tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

Với mục đích xây dựng một mô hình văn hóa mới, và quảng bá văn hóa Việt Nam đến các cộng đồng người Việt, tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi có nguyện vọng đáp ứng được nhu cầu có được thông tin đa chiều, mở rộng kiến thức và giải trí của độc giả.

Với nguyện vọng trên, Tạp chí Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi chủ trương đưa tin trung thực, cân bằng, khách quan không thiên vị, với cách dùng chữ ôn hòa, chừng mực. Và bằng cách này, qua từng bài viết, góp phần củng cố cho một nền báo chí tự do, vốn là quyền căn bản của con người và nền tảng của mọi xã hội dân chủ.

Xem thêm về chủ trương của TYTNT ở đây.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights