Lịch sử tem bưu điện

by Tim Bui
Lịch sử tem bưu điện

THANH PHONG

Với email, Facebook, Whatsapp, Zalo và biết bao ứng dụng Tin nhắn Tức thời (Instant Messenger) khác, có thể ngày nay chúng ta không còn thường xuyên dùng tem để gửi thư cho nhau như ngày xưa. Tuy thế, tem cho đến giờ vẫn được dùng cho những ai muốn gửi một bưu kiện, cuốn sách, tấm thiệp Giáng Sinh, hay món quà nào đó cho bạn bè, thân hữu.

Và dù còn dùng tem nhiều hay ít, độc giả có thể vẫn muốn biết nguồn gốc và lịch sử của con tem?

Cách nay 184 năm con tem đầu tiên của nhân loại ra đời và đến nay tem vẫn còn được dùng, dù ít hơn xưa, và cũng còn được hàng triệu người trên thế giới sưu tập tem mà giới sưu tập tem gọi là “Sưu tập Bưu hoa”.

Vậy con tem đầu tiên xuất hiện lúc nào?

Vào buổi chiều mùa Xuân năm 1830, ông Rowland Hill (1795-1879), một viên chức  Bưu Điện Hoàng Gia Anh Quốc dưới triều Nữ Hoàng Victoria, rời thủ đô Luân Đôn đến  một vùng ngoại ô để quan sát cuộc sống của người dân trong vùng. Tình cờ ông thấy một người đưa thư trao một lá thư gửi từ Luân Đôn cho một thiếu nữ. Thiếu nữ này cầm lá thư và hỏi người bưu tá cô phải trả bao nhiêu tiền? Sau khi người bưu tá trả lời, thiếu nữ xem xét lá thư, rồi trả lại, viện lý do cô không đủ tiền trả bưu phí.

Chứng kiến tận mắt cảnh tượng này, ông Rowland Hill tìm hiểu thì khám phá ra việc thiếu nữ không nhận thư vì hôn phu của nàng đang làm việc tại Luân Đôn. Hai người đã giao ước với nhau là nếu nhìn trên phong bì có một dấu hiệu chỉ hai người biết, thì hiểu là tình trạng sức khỏe của người kia bình thường nên không cần nhận thư. Trước cảnh này, ông Rowland Hill quyết định đệ trình chính phủ một dự án cải cách ngành bưu chính.

Dự án của ông Rowland Hill thoạt đầu bị một nhóm thượng lưu Anh quốc phản đối. Tuy nhiên, sau nhiều tháng tranh luận sôi nổi tại Quốc Hội, chính phủ Hoàng Gia Anh quyết định thay đổi một tập tục, theo lời đề nghị của các vị Tổng Trưởng về dự án của ông Rowland Hill, là kể từ nay thuế đánh trên thư tín không do người nhận thư phải trả như từ trước đến nay vẫn áp dụng nhưng trái lại, người gửi thư phải mua một chứng từ nhỏ dán trên bì thư.

Con tem đầu tiên của nhân loại (trên cùng), phía dưới là con tem của Cộng hòa Dominica suýt gây chiến tranh (trích bộ sưu tập của Thanh Phong).

Chứng từ đó là con tem đầu tiên in hình Nữ Hoàng Anh Victoria màu đen, giá một penny, ra đời vào ngày 06 tháng 5 năm 1840.
Qua sáng kiến này của nước Anh, các nước khác lần lượt áp dụng và phát hành tem bưu chính của quốc gia mình.

Năm 1843 Brazil, Năm 1847 Hoa Kỳ ,Năm 1849 Bỉ và Pháp. Năm 1850 Áo, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ; Năm 1852 Đan Mạch và Đức; Năm 1857 Nga và hiện nay trên thế giới không có nước nào không phát hành tem.

Ngoài việc thanh toán cước phí, bưu chính còn đem lại nguồn tài chánh không nhỏ cho mỗi quốc gia. Đặc biệt tem cũng được dùng làm món quà ngoại giao như vào ngày 5/5/1961, khi nữ Hoàng Elizabeth II thăm viếng Đức Giáo Hoàng Gioan XXII tại Vatican. Lúc ấy, khi Nữ Hoàng tặng Đức Giáo Hoàng một chiếc gậy mun bằng sừng Tây Ngưu, Đức Giáo Hoàng tặng lại cho Nữ Hoàng tập tem Vatican để lưu niệm. Tem cũng ảnh hưởng đến chính trị, một con tem của nước Dominica in hình bản đồ lấn vào biên giới nước láng giềng khiến chiến tranh suýt xảy ra nếu Dominica không rút lại con tem đó. 

Từ con tem in hình Nữ Hoàng Victoria màu đen, các quốc gia trên thế giới thay đổi các mẫu tem bằng hình chụp, hình vẽ những danh lam thắng cảnh, các vị anh hùng dân tộc, dinh thự, đền đài, những ngày kỷ niệm của quốc gia, những kỳ hoa dị thảo, động vật quý hiếm. Nói chung rất nhiều đề tài, và càng ngày với kỹ thuật in ấn tối tân, những bức danh họa hay bức ảnh chụp trở thành những con tem nhỏ xíu nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc và nội dung khiến hàng triệu người trên thế giới say mê tem và lập nên những Hội Chơi Tem tại Anh năm 1841 và lan nhanh ra các nước, với Liên Minh Bưu Chính Thế Giới (UPU) thành lập ngày 09.10.1874 tại Thụy Sĩ. Hiệp Hội Chơi Tem Quốc tế )FIF) thành lập tại Paris năm 1926. Liên Đoàn chơi Tem Châu Á (FIAP) thành lập ngày 14.9.1974 tại Singapore. Tại Hoa Kỳ được biết có trên 10 triệu người chơi tem.

Khi Việt Nam, Lào và Kampuchea còn là thuộc địa của  Pháp, vào năm 1889 Pháp in  tem Đông Dương (Indochine) chính thức dùng cho cả ba nước. Đến ngày 10/1/1951 Pháp trao trả các cơ quan cho ba nước Việt, Kampuchea, Laos. Từ ngày 24/8/.1951, Việt Nam Cộng Hòa trở thành Hội viên Liên Hiệp Viễn Thông Quốc Tế (UIT) và Liên Hiệp Bưu Chính Quốc Tế từ ngày 12/9/1951 Việt Nam Cộng Hòa đã phát hành nhiều mẫu tem được giới sưu tập Tem trên thế giới ca ngợi là một trong những bộ tem đẹp.

Trước ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay nhà cầm quyền Cộng sản miền Bắc, Bưu Chính Việt Nam Cộng Hòa đã in xong 16 con tem nhưng chưa kịp phát hành, những con tem này rất giá trị và được coi như “chết theo vận nước.”

10 trong số 16 con tem VNCH được coi như “chết theo vận nước” (trích bộ sưu tập của Thanh Phong)

Phía Cộng sản miền Bắc cũng ấn hành tem riêng, từ những năm 1945 đến năm 1975, tem của miền Bắc đều có chủ đề về chính trị  như in hình ca tụng Hồ Chí Minh, khuếch trương chiến thắng “chống Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa,” ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị Liên Xô – Việt Nam, hình ảnh đã không mỹ thuật lại in trên giấy rơm dễ mục nát. Tuy nhiên, từ mấy năm nay, tem của nhà nước CSVN đã thay đổi, từ mẫu mã đến chủ đề và được in khá đẹp. 

Giá trị của một số tem
Nhiều con tem trên thế giới có giá bán rất cao, có khi lên đến vài trăm ngàn Mỹ kim. Riêng tại Hoa Kỳ, theo Catalogue của Scott in năm 2004 có ghi một số tem với giá trên 10,000.00 Mỹ kim một con như:  Tem in hình TT Franklin (1 cent): $12,500.00; Tem TT Lincoln màu dark brown (2c): $14,500.00; Tem TT Jefferson màu pale brown (10c):$14,500.00; Tem TT Washington (3c) màu blue green: $15,000.00 và còn nhiều tem giá trị khác .

Nhiều người chưa chơi tem cứ nghĩ rằng tem đã đóng dấu mới có giá trị. Ngược lại những tem chưa đóng dấu gọi là “Tem Sống”, giá trị gấp 3 lần tem đã đóng dấu. Thí dụ con tem in hình James Madison ($2.00) màu  bright blue tem sống giá $3,200.00, cũng  tem đó đã đóng dấu chỉ bán $1.200.00 (Catalogue, Scott 2004).Trong dịp khác chúng tôi sẽ nói về nghệ thuật chơi tem.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights