Cái giá của trường sinh

by Tim Bui
Cái giá của trường sinh

TRÙNG DƯƠNG

Chuyện xưa kể rằng có người nọ cắc cớ một bữa lên gặp Ngọc Hoàng than phiền là tại sao để người già chết, còn rắn già thì rắn lại chỉ cần lột da. Ngọc Hoàng phán: “Vậy ta cho nhà ngươi một câu thần chú, chỉ dùng được một lần thôi nghe [giống như cái gọi là one time passcode bây giờ ta dùng để được phép vào một chương mục ngân hàng ấy], như sau, ‘Rắn già rắn chết, người già người lột da.’ Thôi, ngươi về đi.”

Người nọ hớn hở về trần, vừa đi vừa nhẩm câu thần chú để khỏi quên. Chắc người đó, có trí nhớ đang lão hóa, về tới trần, nói lớn câu thần chú có thể thay đổi cả vận mệnh nhân loại: “Người già người chết, rắn già rắn lột da!” Báo hại, trải qua bao nhiêu đời sau, con người không ngừng rủ nhau đi tìm thuốc trường sinh.

Sống lâu vẫn là một mơ ước của loài người. Người Việt ta xưa thường chúc nhau sống tới trăm tuổi. Mỗi 70, 80, 90 là rối rít ăn mừng thượng thọ, có khi ông bà cụ được thân thích họ hàng mừng mình sống lâu mà không biết. Tuổi tác, nếu chưa bị lão hóa quá, vốn vẫn được tôn trọng, vì kho kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết của họ. Bên Nhật có một cộng đồng những cụ ông cụ bà sống tới cả trên trăm tuổi, vui vẻ, khỏe mạnh. Khiến nhiều người đã tìm đến để hỏi thăm bí quyết.

Không biết rằng Nhật, một quốc gia nhiều người cao niên nhất thế giới hiện nay, 29.9% (không kể Monaco, với 36%–dân số quốc gia tí hon này có dân số là… 39,000 người), đã và đang phải đương đầu với một vấn nạn kinh tế, đó là số trẻ ra đời ngày một suy giảm vì xã hội thay đổi: nhiều cặp vợ chồng chọn ít con, thậm chí không cả muốn kết hôn và xây dựng gia đình nuôi dậy con cái; và nhiều phụ nữ có học, có nghề nghiệp chọn sống độc thân. Một cô Nhật nọ, tôi nghe được trong một cuộc phỏng vấn, nói: “Việc gì tôi phải lấy chồng nhỉ? Hiện tôi đi làm, tha hồ tiêu pha, không phải chia sẻ bàn bạc với ai hết!”

Tại Trung Hoa, do ảnh hưởng của chính sách mỗi gia đình một con (One-child Family) kéo dài từ năm 1979 tới tận 2015, dẫn đến tình trạng trai thừa gái thiếu vì hàng triệu bé gái hoặc bị giết hoặc đem cho người nước ngoài làm con nuôi, do chỗ người Tầu chỉ muốn có con trai. Trong khi đó, 40 năm phát triển kinh tế đến chóng mặt, song song với các tiến triển về khoa học, kỹ nghệ cao và quân sự, đưa quốc gia này lên hàng cường quốc thứ hai chỉ sau có Hoa Kỳ.

Rút kinh nghiệm từ sự xụp đổ của Liên bang Sô viết do chính sách cởi mở chính trị trước khi tạo được cơ sở kinh tế vững vàng, đảng Cộng sản Trung Hoa chủ trương ngược lại: phát triển kinh tế đã. Song về chính trị thì lại càng ngày càng bóp nghẹt. Trong khi sự thịnh vượng về kinh tế đã tạo cơ hội nảy sinh các thế hệ có khả năng học vấn cao, có tầm nhìn xa rộng và khuynh hướng theo đuổi sự nghiệp hơn là xây dựng một gia đình có hơn một đứa con.

Khi nhận ra tương lai thiếu thợ thuyền để tiếp tục phát triển kinh tế, năm 2015 đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép mỗi gia đình có thêm một con, rồi tăng lên ba con vào năm 2021. Nhưng giới trẻ xem ra không đáp ứng.

Họ càng không đáp ứng sau khi đại dịch Covid và đảng Cộng sản đã có những chính sách bất cập, như Zero Covid đóng cửa hàng loạt thành phố, xóm làng, các cơ sở thương mại, khiến nhiều hãng xưởng ngooại quốc kéo nhau dọn ra khỏi Trung Hoa, biến nước này từ nơi mệnh danh là xưởng sản xuất hàng hóa cho toàn thế giới (World Factory) thành những bãi hoang, dân chúng khóc ròng nhưng không được một trợ giúp nào từ giới hữu trách.

Sự bất ổn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội và không bao lâu cả chính trị. Tình trạng thất nghiệp cao, lên tới trên 20% năm nay trong giới vừa tốt nghiệp đại học. Nhiều người trẻ hiện chủ trương Bốn Không—không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà và không đẻ con. Thậm chí có người chủ trương không làm gì cả, mà “lying flat” (tangping, 躺平), và kêu gọi giới trẻ chuyên nghiệp và thợ thuyền thoát khỏi guồng máy tiêu thụ.

Tình trạng dân số người già đã, đang hay sẽ vượt dân số người trẻ không chỉ xẩy ra tại Nhật và Trung Hoa, mà ở khắp nơi, đặc biệt tại các nước tân tiến. Theo bản tường trình của Phân bộ Dân số thuộc Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, số người trên 65 tuổi trên thế giới sẽ chiếm 25% trong tổng số 9.8 tỉ ước tính dân số thế giới cho cùng năm. Dân số thế giới hiện nay là 8.1 tỉ, với 10% là người trên 65.

Tại các nước đã phát triển, hiện tượng này diễn ra sớm hơn là tại các nước nghèo (trừ Trung Hoa, nơi hiện tượng lão hóa đã và đang diễn ra). Hiện tượng này là kết quả của việc số trẻ ra đời ngày một suy giảm, số người ly dị và chung sống không cần hôn nhân gia tăng, các thế hệ trẻ có học vấn cao, di dân từ thôn quê ra thành thị và thế giới tiếp tục, song song với sự phát triển kinh tế, và việc đô thị hóa, tất cả những thứ trên đã đóng góp vào việc hiện tượng người già sẽ nhiều hơn người trẻ trong tương lai.

Điều đó có nghĩa là dân về hưu sẽ đông hơn số người còn làm việc và đóng thuế để chi trả cho giới hưu trí, đặc biệt là các chi phí về sức khỏe, và sẽ tạo ảnh hưởng không nhỏ trên nền kinh tế và ngân sách quốc gia.
Tại Mỹ, một quốc gia lâu nay có tiếng là trẻ trung, uyển chuyển, sống động và luôn tân trang, nhưng theo tờ New York Times, đến năm 2034, số người cao niên 65 tuổi trở lên sẽ đông hơn trẻ em.

“Nước Mỹ có thể vẫn nghĩ mình là một quốc gia trẻ, nhưng về phương diện một xã hội, nó đang già đi,” tờ báo viết trong bài bình luận của ban chủ biên ngày 23/9 vừa qua, “Can America age gracefully?” “Nhờ tỷ lệ sinh sản giảm, tuổi thọ cao hơn và sự lão hóa của thế hệ baby boomers [những người sinh sau Đệ nhị Thế chiến], xã hội của chúng ta đang chuyển đổi. Đây là một sự thay đổi nhân số và sẽ ảnh hưởng đến mọi thành phần của xã hội. Hiện tại, ở khoảng một nửa quốc gia, có nhiều người chết hơn là trẻ em được sinh ra, trong khi nhiều người Mỹ đang sống ở độ tuổi 80, 90 và cao hơn thế nữa. Năm 2020, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 17%, theo thống kê dân số. Đến năm 2034, sẽ có nhiều người Mỹ quá tuổi nghỉ hưu hơn số trẻ em.”
Theo bài báo này, sự thách thức mà nước Mỹ phải đương đầu vượt khỏi các địa hạt ý thức hệ, địa lý, chủng tộc, và các nhà lãnh đạo bất kể đảng phái khuynh hướng nào cũng cần nhìn thẳng vào đó mà tìm phương giải quyết thích đáng.
“Đã nhiều thập niên trải qua kể từ lần cuối các nhà lập pháp cùng đồng ý về việc tuổi già ở Mỹ sẽ như thế nào,” bài báo tiếp. “Năm 1935, Hoa Kỳ [dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt] thông qua Đạo luật An sinh Xã hội nhằm đảm bảo rằng người già sẽ không chết trong cảnh túng quẫn vì họ không còn làm việc được nữa. Năm 1965, lão hóa được đưa vào như một phần của chính sách Xã hội Vĩ đại [Great Society của Tổng thống Lyndon B. Johnson]. Xã hội của chúng ta bây giờ phải đối mặt với một thời điểm khác khi chúng ta quyết định tương lai của nước Mỹ sẽ như thế nào.”

“Sự thay đổi này có ảnh hưởng lớn lao,” bài báo tiếp. “Dân số trong độ tuổi lao động giảm thường có nghĩa là sẽ thiếu lao động, giảm năng suất và kinh tế tăng trưởng chậm hơn. Những nơi như Nhật Bản, với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao nhất thế giới [29.1% dân số vào năm 2022], có thể cho thấy tương lai không xa của nước Mỹ. Tại Nhật Bản, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, các trường học đóng cửa vì không còn đủ trẻ em ghi danh; số ca sinh giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2022 và khoảng 450 trường học đóng cửa mỗi năm. 

Với ít người trẻ tuổi làm việc hơn, doanh thu cho các chương trình hưu trí đang bị thu hẹp, và Nhật lâm vào tình trạng thiếu lao động kinh niên. Người Nhật làm việc ở độ tuổi 60, 70 ngày càng nhiều, thường là trong các công việc đòi hỏi sức lao động nhưng lương thấp, như giao hàng và dọn dẹp văn phòng. Điều đó có nghĩa là chủ hãng phải điều chỉnh, làm thêm khu vực nghỉ ngơi, thêm đường dốc và tay vịn tại nơi làm việc để đáp ứng nhu cầu của người lao động lớn tuổi.”

“Dân số tăng trưởng chậm, ít nhất là ở Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác, sẽ tạo nên một lứa tuổi lệ thuộc (dependent age) nghiêm trọng”, William Frey, một thành viên cao cấp tại chương trình chính sách đô thị của Viện Brooking, cho biết. “Nó gây căng thẳng lớn trên đời sống của phần dân số còn lại.”

Một số vùng tại Mỹ đã bắt đầu phải đương đầu với một số bất lợi do sự suy giảm dân số, như thu nhập thuế bị thu nhỏ tại vài vùng nông thôn khiến ngân sách địa phương không đủ để hỗ trợ các dịch vụ thiết yếu, như cơ sở hạ tầng và trường ốc. Khi tăng trưởng dân số chậm lại, áp lực cắt giảm có thể sẽ tăng lên. Trong khi đó, dân số hiện tại sẽ tiếp tục già đi; đến năm 2030, sở điều tra dân số ước tính rằng 20% cư dân Hoa Kỳ sẽ đến tuổi nghỉ hưu.

Với 10,000 người thuộc thế hệ baby boomers về hưu mỗi ngày, xã hội Mỹ, theo các quan sát viên, tuy vậy chưa thực sự chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu con số này về nhiều phương diện, từ chăm sóc sức khỏe tới nhà cửa, công việc làm và chuyên chở cho dân số cao niên ngày một tăng này. Chưa kể, và đặc biệt là, theo thống kê, tới năm 2053, 40% ngân sách quốc gia sẽ phải tiêu dùng vào việc hỗ trợ các chương trình cho người cao niên, ưu tiên là An sinh Xã hội và y tế Medicare. Chi đã vậy, mà thu (từ thuế lợi tức thương mại, thuế an sinh xã hội, thuế lợi tức đánh vào thu nhập của các công ty, vv.) thì lại không đáp ứng đủ số chi. Ước tính thâm thủng ngân sách vào năm 2053 là 10%  có nghĩa là chính phủ liên bang phải vay nợ để bù vào đó, thêm vào con số nợ của quốc gia hiện đã lên tới hàng mấy chục ngàn tỉ Mỹ kim.

Tính đến cuối năm 2023, nợ liên bang do công chúng nắm giữ bằng 98% tổng sản lượng quốc gia GDP. Nợ sau đó tăng lên liên quan đến GDP: Nó sẽ vượt qua mức cao lịch sử vào năm 2029, khi đạt 107% GDP và tăng lên 181% GDP vào năm 2053. Nợ cao và gia tăng như vậy sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, đẩy các khoản thanh toán lãi suất cho các chủ nợ nước ngoài của Mỹ lên cao và gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng tài chính và kinh tế. Nó cũng có thể khiến các nhà lập pháp cảm thấy bị hạn chế hơn trong các lựa chọn chính sách.

Tóm lại, dân số người già ngày một tăng, số người trẻ đi làm để đóng thuế tài trợ khối người về hưu và các chương trình y tế ngày càng suy giảm. Do đấy, vấn đề trước mặt là làm thế nào để tăng số người lao động để có thêm thuế lợi tức. 

Trái: hí họa về việc một người thợ trẻ phải làm việc để tài trợ khoảng năm, sáu người già tại Trung Hoa (Tranh China Daily). Phải: tỉ số người thợ làm việc để đóng thuế hỗ trợ một người già tại Nhật, từ sáu người thợ năm 1990, xuống còn bốn năm 2000, và ước tính sẽ chỉ có hai người đi làm để cung ứng cho một người già vào năm 2025. (Minh họa bbc.uk)

Khác với Trung Hoa, Nhật Bản và nhiều nước Á châu hạn chế hoặc không nhận cho di dân, Mỹ, cũng như các nước Âu châu có chính sách nhận di dân. Đặc biệt tại Mỹ vốn có truyền thống di dân. Và Hoa Kỳ phát triển một phần cũng nhờ di dân đến từ các nơi, nếu không là du sinh ở lại làm việc thì là thuộc lứa tuổi trung bình trên dưới 30, thường đã được huấn luyện ngành nghề tại quốc gia nơi họ sinh trưởng.

Tại Mỹ, từ mấy năm trước số di dân theo ngả chính thức bị giảm, một phần vì chính sách di dân bị siết chặt hơn, phần khác vì đại dịch Covid. Nhưng từ đôi ba năm trở lại đây đã gia tăng trở lại. Theo statista.com, tổng số người nhận được thẻ xanh (green card) vào năm 2021 là 740,000, với đa số di dân đến từ Á châu. Nhiều người đề nghị tăng số người được di cư sang Mỹ theo ngả chính thức.

Đó là di dân chính thức.

Di dân bất hợp pháp như hiện đang diễn ra tại biên giới phía Nam với Mexico là một vấn đề nhức nhối, cần Quốc Hội có chính sách. Song đáng tiếc là Quốc Hội hiện tê liệt vì tranh chấp chính trị, nếu không là lo toàn chuyện “ruồi bu”, không biết bao giờ mới làm luật để cải sửa tình trạng bi đát hiện nay tại biên giới phía Nam.

“Những thách thức của một dân số già cũng mang tính cá nhân rất riêng tư,” bài báo New York Times tiếp. “Trong số những câu hỏi then chốt nhất là chúng ta sẽ trải qua những năm cuối đời là ở đâu và như thế nào–nhà riêng nhưng mà ai coi sóc; trung tâm hỗ trợ sống, tức assisted living, thường rất mắc tiền; hay nhà dưỡng lão vốn nhiều chuyện tai tiếng. Hàng triệu người Mỹ đã phải vật lộn với những tình huống khó xử này cho bản thân và cho những người thân yêu. Một kỹ nghệ nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm và dịch vụ đã xuất hiện để giúp mọi người điều chỉnh ngôi nhà và cuộc sống của họ cho sự lão hóa. Một sự thay đổi nhân số đòi hỏi một phản ứng trên diện rộng, và những thách thức này khi càng không được giải quyết ngay, chúng càng trở nên khó khăn hơn.”

“Có rất nhiều điều cần giải quyết, như ai sẽ chăm sóc người già, nơi họ sẽ sống, cách các thành phố tại Mỹ được thiết kế và các doanh nghiệp sẽ thích nghi với như cầu của người già như thế nào,” ban chủ biên tờ New York Times kết luận. “Nhiều người lớn tuổi ở Hoa Kỳ nói rằng họ cảm thấy mình như trở thành vô hình ở một đất nước từ lâu đã bị ám ảnh bởi tuổi trẻ, cố tình tránh những điều không thể tránh khỏi về tuổi già. Chúng ta, người thuộc mọi thế hệ, nợ bản thân và gia đình một câu hỏi: Đây có phải là một thách thức mà chúng ta muốn tự mình lo lấy không? Hay đó là điều mà chúng ta, với tư cách là một xã hội nên cùng nhau đối đầu?” 

Tài liệu tham khảo:

World Population Ageing 2020 Highlights
https://www.un.org/development/desa/pd/news/world-population-ageing-2020-highlights

Can America Age Gracefully?
https://www.nytimes.com/interactive/2023/09/06/opinion/seniors-old-age-america.html?smid=nytcore-ios-share&referringSource=articleShare

The True Cost of Ageing

How Immigration Can Reverse America’s Aging Population Problem 
https://www.boundless.com/blog/how-immigration-can-reverse-americas-aging-population-problem/

Number of persons obtaining legal permanent resident status (green card) in the U.S. in the fiscal year of 2021, by region of birth
https://www.statista.com/statistics/201144/legal-immigrants-in-the-united-states-by-region-of-birth/

The 2023 Long-Term Budget Outlook
https://www.cbo.gov/publication/59331#_idTextAnchor001

National Debt Clock
https://www.usdebtclock.org/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights