Sandra Day O’Connor Cựu thẩm phán TCPV Mỹ và cuộc phấn đấu giữa gia đình và sự nghiệp

by Tim Bui
Sandra Day O’Connor Cựu thẩm phán TCPV Mỹ và cuộc phấn đấu giữa gia đình và sự nghiệp

TRÙNG DƯƠNG

Thẩm phán Sandra Day O’Connor, năm 2005. Bà sẽ được nhớ mãi vì đã phá vỡ rào cản giới tính tại Tòa Tối cao Pháp viện, một cơ quan quyền lực từ hơn hai thế kỷ qua gồm chỉ toàn người phái nam, một chiến thắng đã thay đổi toàn hệ thống tư pháp Mỹ ảnh hưởng tới ngành luật mà bà đã phải tranh đấu để tham gia. 

Bà Sandra O’Connor (1930-2023) là phụ nữ đầu tiên trở thành thẩm phán của tòa Tối cao Pháp viện (TCPV) Mỹ, cơ quan quyền lực nhất của Hoa Kỳ, do Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan đề cử, nhằm hoàn tất một lời hứa khi tranh cử là sẽ đề cử một phụ nữ vào tòa TCPV lâu nay là chốn độc quyền của phái nam. Bà phục vụ từ 1981 tới khi tự ý từ nhiệm vào năm 2006 ở tuổi 75, sau 25 năm tại tòa, để săn sóc cho chồng bị bệnh Alzheimer nặng. 

Thông thường, một khi đã được đề cử vào chức vụ cao nhất nước và cho suốt cuộc đời này, ít có thẩm phán nào từ bỏ chỗ ngồi đầy quyền lực đó. Cho tới nay trong số 115 vị thẩm phán TCPV chỉ có 39 vị đã từ chức, thường ở tuổi 80 xấp lên. Bà Sandra là một ngoại lệ hiếm hoi.
Việc bà từ chức để ở nhà săn sóc cho người chồng bị bệnh mất trí nhớ, là một hy sinh lớn không chỉ của riêng bà mà cho nhiều người vẫn theo dõi nhiều phán quyết thực tiễn không nhuốm màu sắc chính trị của bà khi còn tại vị, đặc biệt về quyền lợi của phụ nữ,  như quyền làm chủ sự sinh sản của mình mà TCPV gần đây đã lật ngược khi bãi bỏ phán quyết Roe vs. Wade công nhận quyền phá thai hiến định. Có thể nói bà rời TCPV trong khi thực sự bà chưa sẵn sàng. 

Bà Sandra nói là trong thời gian bà làm công việc của một vị thẩm phán TCPV, ông đã đi theo và hỗ trợ bà. “Giờ đến lượt tôi.”

Suốt thời gian phục vụ tại TCPV, bà Sandra đã trở thành như một thứ keo gắn bó chín vị thẩm phán vốn biệt lập lại với nhau qua các bữa ăn trưa hàng tuần do bà đứng ra tổ chức. Chính chánh án John Roberts cũng công nhận là bà Sandra đã “cột” các vị thẩm phán lại với nhau khi nghe tin bà qua đời.

Trong 25 năm tại tòa, mặc dù là một đảng viên Cộng hòa bảo thủ, bà Sandra đã đóng vai trò là người quyết định đổi mới trên nhiều vấn đề xã hội, gồm cả chủ đề phá thai và các vấn đề gây chia rẽ khác. Và quan điểm thực tế và ôn hòa của bà đã nhiều lúc đặt bà vào ngay giữa trung tâm của một TCPV chia rẽ sâu xa. 

Quan điểm của bà về vấn đề phá thai đã đưa bà vào một cuộc xung đột văn hóa mãnh liệt, tại tòa án và trên trường chính trị và xa hơn, và cuộc xung đột đó vẫn còn kéo dài sau khi bà nghỉ hưu. 

Bà Sandra đã bỏ phiếu để duy trì quyết định Roe v. Wade, xác nhận quyền hợp pháp của phụ nữ về việc phá thai trong vụ án Planned Parenthood v. Casey, và bỏ phiếu để hủy bỏ lệnh cấm phá thai vào giai đoạn muộn của Nebraska trong vụ án phá thai cuối cùng mà bà tham gia, Stenberg v. Carhart. Bà cũng đứng giữa các cuộc tranh chấp về hành động tích cực của mình. Bà viết ý kiến cho đa số 5-4 trong vụ án Grutter v. Bollinger, vụ án quan trọng năm 2003 ủng hộ việc Đại học Michigan sử dụng yếu tố chủng tộc trong việc tuyển sinh trường luật.

“Việc tham gia hữu hiệu của mọi người thuộc các chủng tộc vào sinh hoạt công dân của đất nước ta là điều cần thiết. Nó giúp tạo nên sự đoàn kết quốc gia,” bà Sandra viết.

Sự góp mặt của bà Sandra vào TCPV đã là động lực thúc đẩy phái nữ tham gia tích cực vào ngành luật. Bà Sandra kể, trong một cuộc phỏng vấn cuối cùng về những khó khăn tìm việc trong ngành luật sau khi tốt nghiệp với báo New York Times trước khi rút vào im lặng vì bệnh suy giảm trí nhớ, là khi bà vào trường luật Standford chỉ có 1% nữ; bây giờ là 50%.

“Bà là một tấm gương không chỉ cho các cô gái và phụ nữ, mà còn cho những người cam kết với sự bình đẳng dưới luật pháp,” Chánh án John Roberts nói trong một tuyên bố sau khi bà Sandra thông báo về bệnh mất trí nhớ của chính mình. 
“Tôi là một trong những phụ nữ đã nỗ lực theo đuổi theo bước đi của bà,” cố thẩm phán Ruth Ginsberg (1933-2020) nói. 

Hình bìa cuốn sách viết về Thẩm phán Sandra Day O’Connor

“Tuy nhiên, bà cũng xứng đáng được tôn vinh vì đã phá vỡ ranh giới thứ hai, khi bà công khai lên tiếng về ảnh hưởng của bệnh Alzheimer cùng trách nhiệm nặng nề và các vấn đề đạo đức phức tạp” đã ảnh hưởng tới quyết định từ nhiệm của bà, trong khuôn khổ của một cuộc hôn nhân đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, theo bình luận gia Patti Reagan, con gái của cố Tổng thống Reagan, người đã bổ nhiệm bà Sandra và là người cũng đã qua đời sau 10 năm phấn đấu với căn bệnh quái ác này. 
Bà Sandra Day và chồng, ông John O’Connor, gặp nhau vào đầu thập niên 1950 khi cả hai đều là sinh viên tại Trường Luật Stanford. Từ việc hai người cùng làm việc chung cho một bài viết cho tạp chí Law Review của trường đến vài ly bia với nhau và 40 lần hẹn hò sau đó. 

Cảm mến bà ở sự thông minh và trí thức, ông John tỏ tình và muốn đi tới hôn nhân. Mặc dù trước đó đã có ba người cầu hôn nhưng bà từ chối, trong đó có người sau này trở thành chủ tịch Tối cao Pháp viện William Rehnquist, nhưng bà Sandra nhận lời ông John. Họ cưới nhau vào năm 1952.

Bà Sandra theo chồng khi ông phục vụ trong quân đội và được thuyên chuyển sang Đức. Khi trở về Mỹ, họ định cư ở Arizona, nơi bà sinh trưởng trong một trang trại nuôi bò. Cùng nhau làm việc trong ngành luật và nuôi dưỡng ba người con trai cho tới khi bà được Tổng Thống Reagan bổ nhiệm vào chức vị thẩm phán tại TCPV năm 1981. Họ buộc phải dọn gia đình lên thủ đô Washington, D.C.

“Trong 25 năm đầu,” bà nói sau này, “John là người quyết định nơi chúng tôi sẽ sống, công việc anh sẽ làm, anh sẽ làm gì, cuộc sống của chúng tôi sẽ như thế nào. Và sau khi tôi lên tòa Tối cao, tôi e rằng tôi đã phải đưa ra nhiều quyết định như vậy… Nhưng rồi đâu cũng vào đó.”

Năm 1990, khi ông John bị bệnh Alzheimer, mặc dù công việc bề bộn ở tòa, bà Sandra vẫn tận tâm chăm sóc chồng. “Trong những ngày đầu của căn bệnh của chồng tôi,” bà kể trong một cuộc điều trần tại một ủy ban Thượng viện về tuổi già, “tôi thường xuyên đưa anh đến tòa án với tôi vì anh không thể ở nhà một mình.”

“Nhiều người chăm sóc bệnh nhân đã phải đương đầu với các quyết định khó khăn tương tự mỗi ngày,” bà giải thích. “Bệnh Alzheimer là một căn bệnh của cả gia đình.” 

Vào năm 2005, bà thông báo rằng sẽ từ chức để dành nhiều thời gian hơn với chồng. Bà đưa chồng về Arizona. Nhưng chỉ một năm sau, quyết định đưa ông vào viện dưỡng lão vì bệnh của ông ngày một trở nên nặng, cần sự săn sóc chuyên môn, và bà không thể tự mình cáng đáng được nữa. 

Tác giả Patti Davis kể về việc cha mình, Tổng Thống Reagan, đã qua đời vào năm 2004 vì bệnh Alzheimer sau nhiều năm gia đình phải phấn đấu chịu đựng, nên bà chú ý tìm hiểu ảnh hưởng của căn bệnh này từ những gia đình cùng hoàn cảnh. Theo tác giả Davis, dường như nhiều người cho việc đưa một thành viên của gia đình vào một cơ sở chuyên cung cấp chăm sóc an toàn, thích hợp cho người bệnh là một việc làm không nên, nên có khuynh hướng giữ im lặng, âm thầm chịu đựng trong bóng tối. “Tôi rất ngưỡng mộ việc bà Sandra Day O’Connor công khai tiết lộ điều này,” Patti Davis viết, cho rằng việc bà Sandra công khai về việc phải giao chồng cho viện sẽ khiến nhiều người cảm thấy được thông cảm. 

Chưa hết, vào năm 2007, bà Sandra còn đi xa hơn, khi cho phép con trai Scott tiết lộ là ông John đã phải lòng một cư dân tại viện dưỡng lão. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình KPNX-TV ở Phoenix, Scott, với sự đồng ý của Bộ Tư Pháp, mô tả cách mẹ anh theo dõi John và người yêu mới ngồi trên cùng một băng ghế, rõ ràng là họ say mê nhau. 

“Mẹ rất vui mừng khi thấy cha thư thái và hạnh phúc và thoải mái sống ở đấy,” Scott  nói. 

Bà Sandra tiếp tục đi thăm chồng, mặc dù ông không còn nhận ra bà nữa. Bà thường lẳng lặng ngồi xuống bên ông ở băng ghế nơi ông và người tình ngồi cầm tay nhau, nắm lấy bàn tay kia của ông.

Theo tác giả Davis, người mắc bệnh Alzheimer mất khả năng nối kết, mất ký ức và óc trở thành những sợi chỉ sờn, nhưng mong muốn về sự gần gũi thì vẫn sâu sắc, sâu hơn cả căn bệnh. Điều này khá phổ biến khi bệnh nhân phát triển mối quan hệ tình cảm mới, thậm chí là quan hệ tình dục. Nhưng đó là điều mà ít người cảm thấy thoải mái để đề cập tới. [Cảnh này đã được tác giả giải Nobel văn chương Alice Monroe mô tả sâu sắc trong truyện “Away From Her” đã quay thành phim, có thể xem tại https://www.youtube.com/watch?v=moE3VwMo7QY]

Một thập niên sau đó, vào năm 2018, bà Sandra lại một lần nữa nói về sự mất trí nhớ. Lần này, đó là của chính mình. Trong một lá thư ngày 23/8/2018, gửi “Các bạn và Đồng bào Mỹ.” 

Trong lá thư đó, bà nói, “Mặc dù chương cuối cùng của cuộc đời tôi với việc mất trí nhớ có thể là một thử thách, nhưng không có gì làm giảm bớt lòng biết ơn và sự trân trọng sâu sắc của tôi đối với vô số phúc lành trong cuộc sống của tôi.” Đó là tuyên bố công khai cuối cùng của bà.

“Di sản của một người không chỉ là về những thay đổi lớn lao có tính cách lịch sử,” tác giả Davis kết thúc bài tiểu luận như một lời tiễn đưa người phụ nữ đã thay đổi bao nhiêu thế hệ Mỹ. “Đôi khi đó là về những quyết định thầm lặng làm thay đổi cuộc sống của người khác. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được bao nhiêu người đã chịu ảnh hưởng bởi sự chân thành của bà Sandra Day O’Connor, bao nhiêu người đã được bà truyền cảm hứng để cho phép chồng hoặc vợ của mình tìm kiếm một hạnh phúc khác với những điều họ đã từng tưởng tượng. Bà đã chọn đứng vững trong tình yêu và hạnh phúc dành cho người đàn ông mà bà đã cùng đồng hành qua nhiều năm. Điều đó cũng xứng đáng được nhớ mãi.”

Xem thư của cố thẩm phán Sandra Day O’Connor thông báo về bệnh trí nhớ bị suy giảm của mình tại https://int.nyt.com/data/documenthelper/403-sandra-day-oconnor-letter-dementia/d88af3d08c563a566fc4/optimized/full.pdf#page=1 
Kể từ khi bà nghỉ hưu vào năm 2006, tòa Tối Cao Pháp viện bảo thủ đã dỡ bỏ các phán quyết quan trọng của bà Sandra về quyền hiến định phá thai, quyền dùng chủng tộc như yếu tố tuyển sinh viên và giới hạn tiền đóng góp trong các cuộc tranh cử: https://www.nytimes.com/2023/12/01/us/politics/justice-oconnor-legacy-abortion.html.

[TD2023-12]

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights