Thầy Giáo Làng – kỳ 5

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng (kỳ 5)

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Trí tò mò của Tâm bừng tỉnh và chàng lanh lẹn đi theo ông Đặc Sứ. Bonneau mở cửa đưa sang một căn phòng khác. Sau khi khách đã vào trong, hắn đóng cửa lại. Phòng khá rộng với một bàn làm việc thật lớn chất đầy kỷ vật hàng hải. Ván ốp tường trông thật đắt tiền và một bản đồ Đông Nam Á vĩ đại che phủ lên một mặt tường.

Chủ nhà ngồi sau bàn giấy và mời Tâm ngồi. Hắn mở một ngăn kéo và lấy ra một tờ giấy cùng một ống tròn. Hắn mở nắp ống đó cho thấy một ngòi bằng kim loại sáng bóng ở phần cuối. Ngước mắt lên, hắn thấy Tâm đang nhìn vật mình cầm trong tay.

“Đây là một vật kỷ niệm do một đại tá hải quân Mỹ mới tặng tôi. Nó là một cây bút máy có bình chứa mực ngay trong ống kim khí này. Viết bằng bút này rất tiện vì mình không phải liên tục chấm vào lọ mực nào.”

Tâm chăm chú theo dõi cây bút, trong đầu đang so sánh nó với bút lông và đá mực của mình. Bonneau cắt ngang:

“Thầy Tâm, xin đọc cho tôi vài câu đầu của bất cứ bài thơ tiếng Việt nào mà Thầy ưa thích. Tôi sẽ viết những câu đó xuống tờ giấy này bằng cách viết mới. Tôi sẵn sàng đây, xin mời Thầy.”

Tâm suy nghĩ vài giây và bắt đầu đọc nhưng câu đầu của bài “Kim Vân Kiều” nổi tiếng của Nguyễn Du.

“Đó thật là những dòng thơ bất hủ! Xin cho tôi một chốc lát để viết lên giấy,” Bonneau vui vẻ nói.

Tâm để ý thấy Bonneau viết khá nhanh từ trái sang phải, và những chữ xuất hiện trên mặt giấy hoàn toàn không giống những chữ mà chàng thường viết. Với cây bút lạ lùng kia, Bonneau viết liên tục, không cần phải chấm vào bình mực nào, mà cây bút vẫn cho mực chảy ra rất đều đặn.

Viết xong, Bonneau lấy giấy thấm mực cho khô. Xong xuôi, ông đi ra cửa và mở ra để gọi cô con cả vào. Giang bước vào ngay,
vẻ mặt thắc mắc. Người cha giơ mảnh giấy trên đó cơ sáu dòng chữ và thách con gái:

“Cô con gái yêu của tôi, con đọc cái này được không?”

Nàng cầm lấy tờ giấy, liếc qua rất nhanh rồi quay mặt về phía Tâm, đôi mắt long lanh.

“Em mê bài thơ tuyệt vời này.”

Với một giọng nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, nàng khởi sự đọc những dòng chữ mà người cha đã viết.

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.


Bonneau nhìn Tâm với vẻ mặt rạng rỡ. “Thầy thấy chưa! Có phải con gái tôi đọc được tất cả các dòng, tất cả mọi chữ không?”

“Vâng, thật là tuyệt diệu,” Tâm đáp lời rồi quang sang hỏi Giang. “Em phải tốn bao lâu để học chữ viết mới này?”

“Không lâu đâu. Cả Mai và em lúc đó còn nhỏ tuổi, và chúng em học tiếng Pháp đồng thời. Mạ biết chữ viết mới và dạy chúng em đọc và viết tiếng Việt, trong khi các ông cố đạo ở trường học dạy tiếng Pháp và tiếng La Tinh.”

“Thế với một người như Thầy Tâm, phải bao lâu mới học được chữ viết mới này?”

Bonneau hỏi.

“Chắc vài ngày, hay là vài tuần là tối đa,” nàng trả lời cha. Bỗng nàng quay sang hỏi cha với vẻ mặt háo hức.

“Như vậy con có thể dạy Thầy Tâm được không? Con làm chuyện đó được.”

“Con đủ khả năng làm được chuyện đó, nhưng không biết Thầy Tâm có chịu để một đứa bé con dạy cho không?”

“Cha, con không phải là một đứa bé con!”

Nàng chạy vòng quanh bàn để ôm Bonneau trong khi người cha nháy mắt cười với Tâm.


Vậy là chàng bắt đầu học chữ viết mới trong phòng khách nhà Đặc Sứ Pháp, dưới sự hướng dẫn của một thiếu nữ nửa Việt
nửa Pháp. Thoạt đầu Tâm cố gắng không biểu lộ những cảm xúc lẫn lộn trong tâm trí của mình. Chàng muốn học lối viết mới để mang về quê dạy lại cho học trò trường làng. Nhưng chàng cảm thấy áy náy phải giao thiệp với một gia đình của một kẻ có uy thế lớn trong chính quyền thuộc địa. Thiên hạ sẽ nói gì? Người ta sẽ gọi chàng là gì, là một kẻ phản bội chăng?

Trong qua khứ đã có những vị tướng Việt học binh pháp bằng cách chứng kiến quân Pháp luyện tập và tấn công. Chính những vị ấy sau đó huấn luyện lính Việt và sử dụng vũ khí hiện đại để đánh thắng quân Pháp. Một trong số các vị đó còn học cả cách chế tạo súng cho quân của mình theo đúng mẫu súng của bọn Tây phương.

Trong khi đó, những kẻ cứ bám vào binh thuyết lỗi thời, hay tệ hơn nữa vào mê tín dị đoan và chiêm tinh học, không bao giờ
chống lại được người Pháp, và cuối cùng phải thiệt mạng cùng với những kẻ theo họ.

Tâm không nghĩ học viết chữ Quốc Ngữ là một việc tiếp tay cho kẻ thù. Người Pháp muốn có thêm người học, có thể vì họ nghĩ đó là một cách dẹp bỏ chế độ giáo dục dựa theo Trung Quốc. Mục tiêu cùa họ không nhất thiết là xấu xa. Đó là một mục tiêu mà chàng có thể chấp nhận. Trong bài luận văn sau cùng ở trường thi, chàng đã viết đoạn kết tán thành mục tiêu đó.

“Thầy Tâm, Thầy đang mơ màng và không lưu ý đến chuyện học hành,” Giang dịu dàng trách chàng. “Thầy đang nghĩ gì đó? Thầy đang nghĩ về ai đó? Ở làng quê, có ai mong chờ Thầy không?”

Tâm thôi không suy nghĩ vẩn vơ nữa để quay trở về việc chép lại những chữ cái mới và những cụm từ ngắn ngủi mà Giang đã
viết sẵn ra. Chàng đã nắm vững ngay bảng chữ cái và biết sử dụng cây bút máy mà Giang mượn của cha. Chàng không đòi hỏi bút ấy nhưng nàng đã đưa cho chàng cây bút để cho chàng dùng và thỏa mãn tính hiếu kỳ.

“Giang nói gì thế?” Tâm hỏi lại. “Tôi đang suy nghĩ về sự trùng hợp ngẫu nhiên đưa chúng ta đến ngày hôm nay.”

“Vậy không có ai ở nhà đang mong chờ Thầy phải không?” Giang kiên trì hỏi thêm.

“Dạ, có chứ!”

Chàng ngưng viết và nhìn lên, giả vờ nghiêm chỉnh. Một nỗi lo âu thoáng hiện lên mặt nàng và đôi mắt xanh chớp nhanh mấy lần.

“Bà mẹ già của tôi là người đang mong chờ tôi về.”

Nàng nhìn xuống, hai gò má hơi ửng hồng, và quay trở lại quyển sách đang ôm trong lòng.

Giang là một khía cạnh mới và bất ngờ trong đời chàng. Khi rời quê để đi thi tại kinh thành, chàng không bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó sẽ gặp một người như nàng, một cô giáo duyên dáng và một chủ nhà thật hiếu khách trong mấy ngày qua.

Mẹ của nàng, Mai, và vài người giúp việc lâu lâu đến thăm, nhưng tựu chung không ai đến quấy phá Giang và Tâm. Ngay từ đầu chàng đã quả quyết sẽ chỉ cần một hay hai tiếng mỗi ngày với Giang. Chàng chú ý hoàn toàn vào việc học và đã tiến bộ nhanh chóng, làm cho cả hai hài lòng. Hơn một lần nàng đã mời chàng ở lại ăn bữa trưa nhưng bao giờ chàng cũng từ chối.

Chàng sẽ làm gì khi nàng không còn gì để dạy nữa? Ngay từ đầu, người thiếu nữ tốt bụng này đã cố gắng làm cho Tâm cảm thấy được chấp nhận trong nhà của nàng. Nàng đã không cầm tay chàng và giữ lại trong tay mình như trong ngày đầu tiên, nhưng Tâm thừa biết là sự tương tác giữa hai người càng ngày càng có ý nghĩa hơn. Chàng thường nghe nói là người phương Tây cởi mở và dễ biểu lộ tình cảm, và Giang có thể được coi như là một thiếu nữ Tây phương, mặc dầu trông giống người Việt hơn.

“Em đang đọc sách gì thế?”

Nàng ngước mắt lên:

“Đây là một tiểu thuyết ngắn của một nhà văn Pháp tên là Alphonse de Lamartine, viết khoảng hai mươi, ba mươi năm cách
đây. Tựa sách là Graziella.”

“Em có thích tiểu thuyết đó không?”

“Cho tới bây giờ, quyển này khá hay. Nhưng em sợ đoạn kết sẽ buồn lắm. Phải chi Thầy cũng biết đọc tiếng Pháp để em cho Thầy mượn đọc và thưởng thức.”

“Tôi đang muốn học tiếng Pháp, sau khi thông thạo chữ Quốc Ngữ này.”

“Nếu thế, thầy có cần ai dạy không?”

“Nếu có ai dạy chắc sẽ dễ học hơn.”

Nàng đặt quyển sách xuống.

“Thầy muốn Giang dạy tiếng Pháp cho không? Em có tất cả các sách Thầy sẽ cần đến. Có cả một quyển văn phạm và ngữ vựng trong ba ngôn ngữ: tiếng Việt, mà tác giả gọi là Annamite, rồi tiếng Tàu và tiếng Pháp. Thầy sẽ thích quyển này. Em cũng
khá giỏi Pháp văn, các linh mục dòng Tên tại trường học nói vậy. Theo như những gì em nhận xét trong mấy ngày qua, Thầy sẽ học nhanh lắm. Chỉ cần nói với Thầy một lần là thấy sẽ nhớ mãi.”

“Có thể tôi chỉ còn vài tuần chờ đợi nữa thôi. Vậy có đủ thời gian để học không?”

Giang cười và nói đùa:

“Em sẽ nói với cha em yêu cầu nhà Vua chỉ thị cho ban giám khảo không được công bố kết quả trong một thời gian khá lâu, ít nhất là cho tới sau khi em dạy xong tiếng Pháp cho Thầy.”

“Ấy, không được làm thế! Tôi sẽ tiêu hết tiền và chắc chắn phải trở về quê ngay!”

Cả hai cùng cười vui lớn tiếng. Sau đó Tâm nói:

“Giang nên hỏi cha có bằng lòng cho dạy tôi tiếng Pháp hay không.”

“Cha sẽ không chống đối đâu. Thầy coi như chuyện ấy đã xong rồi.”

Sau một khoảng thời gian, nàng lại ngưng đọc sách.

“Thầy đã đi du ngoạn chỗ nào như dự định trước đây chưa?”

“Chưa. Tôi có nghĩ đến chuyện du ngoạn, nhưng tôi muốn học xong và nắm vững chữ quốc ngữ đã. Sau mỗi buổi học ở đây tôi chỉ về quán trọ tập viết và đọc những quyển sách tiếng Việt mà em cho mượn.”

Nàng suy nghĩ một lúc và định nói với chàng điều gì nhưng xong lại thôi và giữ im lặng.

Ngày hôm sau, lúc Tâm sửa soạn lên đường để đi đến nhà Giang, chủ quán trọ hớt hải chạy vào phòng của chàng. Mặc dầu chung quanh không có ai khác, chủ quán thì thầm:

“Thầy ơi, có một thiếu nữ đang đứng ngoài kia kìa. Chị người hầu vào nói với tôi đi bảo Thầy là cô ấy đang chờ Thầy đấy.”

Sau khi ngưng nói trong giây lát, chủ quán phán thêm:

“Thầy tốt số lắm đấy.”

(Còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-4/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-3/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights