Thầy Giáo Làng – kỳ 6

by Tim Bui
Thầy Giáo Làng

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Chùa Thiên Mụ

Giang và chị hầu đứng ở đằng trước quán trọ, cô chủ có vẻ điềm tĩnh nhưng chị hầu trông lo lắng ra mặt. Khi Tâm xuất hiện, Giang vội nói:

“Thầy Tâm, hôm nay mình đi thăm danh lam thắng cảnh được không?”

Tâm biết ngay hôm đó sẽ không có chuyện đến nhà nàng học hành. Chàng chỉ còn cách là đề nghị đi chùa Thiên Mụ, một nơi mà chàng vẫn muốn thăm viếng từ khi đến Huế. Nàng cũng đoán trước  như vậy và đồng ý ngay. Sau khi nàng cho chị hầu về, hai người rời quán trọ.

Giang và Tâm đi bên cạnh nhau dọc theo bờ sông Hương về phía Tây Nam kinh thành. Chùa nằm ở phía Tây của thành phố. Nàng đội một nón quai thao vòng tròn và rộng, và mặc một cái áo ngũ thân với quần đen cùng loại vải. Với bộ quần áo dân tộc đó nàng trông hấp dẫn hơn là với quần áo Tây phương.

“Giang chắc đi thăm chùa rồi?”

“Có chứ, nhiều lần rồi. Gia đình em theo đạo Thiên Chúa, nhưng Mạ vẫn cho Mai và em đi lên chùa mỗi năm. Chùa là một nơi rất đẹp và yên tĩnh. Mạ đi đến đó để quyên tặng cho nhà sư trụ trì và cho tất cả các tăng ni. Nhiều năm về trước gia đình Mạ theo đạo Phật, tuy đa số bây giờ theo đạo Thiên Chúa. Sư trụ trì là một trong nhưng người chú của Mạ.”

“Thế thì em làm gì khi đến chùa? Tôi tưởng đạo Thiên Chúa không cho giao tiếp với các tôn giáo khác.”

“Đúng như vậy, nhưng Mạ em không phải luôn luôn nghe lời mấy vị linh mục. Đối với Mạ, trừ phi mình làm điều gì xấu xa, Thượng Đế sẽ không cần biết mình đi nhà thờ hay đi chùa.”

“Còn em và Mai, hai chị em làm gì khi đến chùa?”

“Thông thường chúng em chỉ đi theo đuôi Mạ. Hồi còn ít tuổi, chúng em đi khắp mọi chỗ trong khuôn viên chùa, chơi đi trốn, hoặc chạy lên chạy xuống các bậc thang cho tới khi chân cẳng rã rời. Khi ăn bữa trưa, chúng em ăn đồ chay no nê, đặc biệt là các bánh ngọt. Có khi chúng em trêu chọc các chú tiểu, nhất là những chú nào trẻ nhất.”

“Tôi có thể tưởng tượng đươc chuyện đó. Giang và cô em chắc đã làm tăng thêm thời gian luyện tu của mấy chú tiểu vài tháng hay vài năm mỗi lần đi thăm chùa như vậy.”

“Làm gì có chuyện đó!” Giang mỉm cười phản đối. “Mấy chú ấy không ngại bị hai chị em này chọc ghẹo và sẵn sàng cười cùng với chúng em. Lẽ dĩ nhiên, nếu nhìn thấy mấy sư lớn tuổi hơn chúng em sẽ giữ yên lặng và trở nên rất ngoan ngoãn. Chúng em cũng tránh nhìn những bức tượng gỗ thật đáng sợ của các vị thần bảo vệ cho chùa.” 

“Không biết Giang sẽ làm gì nếu đến thăm ngôi chùa ở làng tôi. Chùa chỉ có một tu sĩ, đó là chú ruột của tôi. Chùa không có chú tiểu và không có ai khác ngoài một cụ già câm và điếc. Cụ ấy dọn dẹp phía trong và phía ngoài chùa. Sẽ chẳng có ai để Giang chọc ghẹo đâu.”

Lòng hiếu kỳ cúa nàng trổi dậy.

“Thật vậy hả? Chùa chỉ có một ông sư! Thiên hạ có đi đến chùa đó không?”

“Có một số ít thường đến chùa, kể cả gia đình tôi. Phần tôi thì đến chùa thường xuyên để luyện tập võ gia truyền với ông chú.”

“Thầy Tâm ơi, thế thì em có thể chọc ghẹo Thầy. Như vậy Thầy sẽ phải tập rất lâu trước khi được giác ngộ.”

Vừa đi vừa nói đùa nhẹ nhàng làm cho cả hai bớt căng thẳng, không cảm thấy mệt mỏi. Không bao lâu Giang và Tâm đã bỏ lại kinh thành sau lưng.

Nhà cửa bắt đầu thưa thớt và được thay thế bằng đủ loại thực vật xanh lộng lẫy trong đó có chen lẫn các mầu đỏ, vàng. Cỏ cao, dương xỉ, bụi cây với hoa tuyệt đẹp, và cây cao đủ loại mọc cả hai bên đường, trải dài xuống tận dòng sông. 

Con đường đi về phía chùa bắt đầu lên cao. Dựa vào truyền thống giáo dục của dòng Tên, cộng với những mẩu chuyện truyền lại trong gia đình phía bên mẹ, Giang kể lại cho Tâm lịch sử của ngôi chùa một cách gắn gọn.

“Thiên Mụ là tên một bà lão huyền thoại mặc áo đỏ xuất hiện tại địa điểm của chùa cách đây hơn hai thế kỷ. Bà lão tiên đoán sẽ có một vị lãnh chúa hùng mạnh cho xây chùa ở đó để đem lại thịnh vượng cho nước nhà. Vào năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng, ông tổ của triều Nguyễn hiện nay, cho khởi công xây chùa. Rồi theo thời gian, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, các lãnh chúa, hoàng đế, và vua đã nhiều lần bành trướng và có khi xây lại toàn thể ngôi chùa. Công trình kiến ​​trúc đẹp nhất là tháp Phước Duyên, được xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị. Tháp Phước Duyên cao nhất nước, và những người thuộc hoàng gia cũng như thường dân đã sáng tác nhiều bài thơ và bài hát về tháp ấy. Chắc Thầy Tâm cũng biết những bài thơ đó phải không?”

Tuy con đường không dốc nhiều,  khi đến chùa hai người không còn nói chuyện nữa. Trước khi leo lên các bậc thang dẫn đến sân chùa, Giang dừng lại để thở. Bỗng Tâm cầm lấy một bàn tay của nàng. Giang quay đầu lại nhìn chàng, mặt hơi đỏ hồng.

Mắt nàng chớp nhanh chóng dưới ánh sáng mặt trời, càng làm tăng thêm vẻ đẹp của đôi mắt xanh lam. Nàng mỉm cười, siết chặt tay chàng và dựa vào vai chàng một lúc. Sau đó cả hai bắt đầu leo lên 15 bậc thang.

Khi lên đến sân chùa, hai người cùng quay lại nhìn xuống phong cảnh huyền diệu với dòng sông lóng lánh cuốn chung quanh ngọn đồi trước khi vòng về hướng Nam và biến dần đằng sau những đám mây trắng ở cuối nền trời xanh.

Ngắm xong phong cảnh một lúc, cả hai bắt đầu đi dạo khắp những nơi trong khuôn viên chùa, đi thăm các khu vườn và nhìn các công trình kiến trúc, nhưng không vào chỗ nào. Các nhà sư đang làm lễ cầu nguyện buổi sáng, do đó ngoài sân vắng tanh không thấy bóng dáng ai. Giang và Tâm nghe thấy tiếng tụng kinh đơn điệu kèm theo tiếng gõ nhịp nhàng lên mộc ngư thỉnh thoảng xen kẽ với âm thanh của một chuông đồng được đánh nhẹ lên. Chỉ có trong phòng ăn tập thể là có người đi lại, có lẽ là những nhà sư và chú tiểu trông nom cơm nước cho mọi người.

Giang và Tâm bỗng nhiên nghe thấy một giọng nói trầm và mạnh mẽ từ phía đằng sau mình. 

“Bé Giang hôm nay đến chùa làm gì đây?” 

Tiếp theo câu hỏi ấy là một tràng cười ròn rã làm Giang và Tâm quay lại. Một nhà sư đứng tuổi mặc áo cà sa vàng đang đi về phía hai người. Đầu trọc lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời vì tóc bạc hoàn toàn, nhưng nhà sư trông vui vẻ với dáng đi của một người trẻ tuổi hơn nhiều.

“Đó là sư trụ trì chùa này,” Giang nói khẽ. Cả hai chắp tay lại và cúi chào nhà sư. Xong xuôi, nàng đứng thẳng người lên và nhìn nhà sư với con mắt tinh nghịch.

“Thưa Thượng Tọa trụ trì, ngày nào cũng có thể gọi tôi là Bé Giang được, nhưng hôm nay thì không.”

Nhà sư dừng lại, nhăn mặt và nhìn thật kỹ khuôn mặt của Giang để đoán xem nàng muốn gì.

“Hôm nay, Thượng Tọa phải gọi tôi là Cô Giang vì có học trò đi theo tôi.” Nàng chỉ vào Tâm. “Tôi đang dạy thanh niên này cách đọc và viết chữ Quốc Ngữ mới. Rồi sau đó, tôi sẽ dạy tiếng Pháp cho anh học trò này. Do đó, yêu cầu Thượng Tọa gọi tôi là Cô Giang.”

Nhà sư trụ trì nhìn từ Giang sang Tâm, chớp mắt vài lần để chắc chắn là mình đã nhìn và hiểu đúng.

“Này Bé Giang ơi, đừng có nói vẩn vơ. Anh này to lớn hơn Bé nhiều, làm sao mà Bé nhận làm học trò được?”

“Trò Tâm, hãy nói cho nhà sư trụ trì này biết có điều gì tôi nói là không đúng,” nàng vừa nói vừa nhìn Tâm với nét mặt giả nghiêm.

“Thưa Thượng Tọa, đúng như vậy. Tôi là học trò của cô ấy,” Tâm nói với một nụ cười thật tươi.

“Đó, thấy chưa? Thượng Tọa hôm nay phải gọi tôi là Cô Giang đấy!”

“Thôi được, tôi sẽ gọi là Cô Giang, vì anh học trò này đã xác nhận chuyện đó.” 

“Vậy thì Thượng Tọa phải xin lỗi bằng cách này. Cả hai chúng tôi đều đói lắm, và anh học trò này đã bắt đầu than vãn rồi. Do đó, Thượng Tọa trụ trì có thể nào cho hai chúng tôi thưởng thức những món chay thật ngon của nhà bếp trong chùa được không?”

“Được chứ, lẽ tất nhiên!” nhà sư trụ trì cười vang. “Cô Giang và học trò Tâm, hãy đi theo bần tăng.”

Trong khi dẫn hai người khách trẻ về phía phòng ăn, nhà sư vẫn tiếp tục cười vui vẻ. Tâm sắp phàn nàn với Giang là chàng đâu có than phiền mình đói, nhưng nàng đã đoán chàng sắp nói gì.

“Thầy không nói là Thầy cần ăn, nhưng em muốn nhà sư trụ trì biết rằng không được bỏ đói chúng mình ngoài này trong khi các sư sãi ăn uống no nê trong kia.” 

Tâm kinh ngạc nghe thấy Giang nói lớn tiếng như vậy ngay đằng sau nhà sư.

“Tôi nghe thấy tất cả,” nhà sư trụ trì nói thật to. “Nhưng Đức Phật không cho bần tăng này phẫn nộ vì câu nói đó.” 
Sau đó Thượng Tọa lại càng cười vang hơn nữa.

Giang bấm lấy khuỷu tay của Tâm.

“Sư trụ trì này là chú ruột của Mạ em. Em bao giờ cũng chọc ghẹo Ông Chú, vì thế ông ấy quý em nhiều.”

“Giang nói đúng đó Thầy Tâm,” nhà sư nói to thêm. “Cách đây mấy ngày mẹ của Giang có cho bần tăng biết về anh học trò mới của cháu rồi.”   

Nàng thở thật dài.

“Thôi, hỏng hết rồi! Cháu cứ tưởng mình sẽ làm Ông Chú ngạc nhiên một lúc.” 

“Cháu và Thầy Tâm vẫn có thể vào trong phòng ăn rồi kể cho bần tăng biết bấy lâu nay cháu đã dạy được những gì cho anh học trò của cháu.”

Trên đường trở về kinh thành, Tâm hỏi nàng.

“Mấy hôm trước, Giang đang cưỡi ngựa đi về nhà thì bị hai kẻ cướp tấn công. Tôi muốn hỏi hôm đó Giang di từ đâu về.”
Nàng trả lời: “Em nghĩ trước sau gì Thầy cũng sẽ hỏi chuyện đó. Nhưng thay vì trả lời câu hỏi đó ngay bây giờ, em muốn Thầy đi theo em đến một nơi gần đây.”

Hai người rời con đường dọc theo bờ sông và rẽ vào một đường phụ đưa đến một ngọn đồi dốc. Đi khoảng nửa dốc thì thấy một tòa nhà lụp xụp. Tường nhà đen vì rêu và khói, và mái có chỗ thiếu ngói. Tuy nhiên khu vườn chung quanh nhà có vẻ được chăm nom kỹ lưỡng và có trồng nhiều bụi hoa và đủ mọi thứ rau cỏ và cây ăn quả.

Trong khu vườn đằng trước nhà, một đứa bé bỗng đứng dậy, lên tiếng gọi “Cô Giang!” xong rồi chạy ra đón. Chẳng bao lâu nhiều đứa trẻ cũng chạy ra từ khắp mọi chỗ và đổ dồn về phía hai người khách. Một ông già đầu trọc cũng xuất hiện, vừa nheo mắt vừa cười ngoác miệng.

Lũ trẻ con, trai và gái đủ cỡ tuổi, bao vây Giang ríu rít và túm lấy vạt ào của nàng để kéo nàng đi theo chúng. Ông già ra hiệu cho mọi đứa phải giữ trật tự và bớt nhốn nháo. 

“Cô nương hôm nay đến đây có chuyện chi?” cụ già vừa hỏi vừa nghiêng mình chào hai người khách.

“Bác Thanh, đây là Thầy Tâm,” nàng giới thiệu. “Vì Thầy ấy muốn biết tuần lễ trước cháu đi đâu, cháu đưa Thầy đến thăm chỗ này cho biết.”

Quay sang Tâm, nàng tiếp tục nói:


“Chỗ này là một cô nhi viện mà chùa Thiên Mụ thành lập cách đây vài năm, ngay sau khi quân Pháp cướp phá kinh đô. Rất nhiều người thiệt mạng trong biến cố ấy, và đa số những đứa trẻ này là những đứa đã mất cha mẹ khi đó. Bác Thanh là người cai quản mọi việc ở đây. Bác ấy không phải là một nhà sư mặc dầu đầu có cạo trọc. Ngoài ra còn có hai ni cô trông nom công việc ở phía sau. Em và Mai thì cố gắng mang đến đây một vài món đồ cần thiết. Như Thầy thấy, cô nhi viện này cố gắng trồng đa số những rau cỏ và trái cây cần thiết, ngoại trừ thóc gạo. Do đó, tuần trước em mang tặng một bao gạo, muối, đường, và vài thứ cần thiết khác. Có khi em cũng đem đến một số vật liệu y tế và thuốc men của quân đội Pháp mà cha em lấy cho. Thầy biết không: tuần trước khi tên cướp định giành lấy túi đồ mà em mang theo, trong túi chẳng có gì cả. Trước đó, em đã mang tất cả mọi thứ trong túi đến đây và giao cho Bác Thanh rồi.”

Ông già nhìn nàng và Tâm, rồi nói thêm:

“Thưa Thầy, cô nương đem cho chúng tôi nhiều thứ mà chúng tôi cần phải có. Các em thì chế tạo đồ chơi đem ra chợ bán, cùng với những rau và hoa trồng ở các vườn chung quanh nhà. Chúng tôi dùng tiền thâu được để mua những thứ mà nhà không trồng được hay không làm ra được. Tuy nhiên bao nhiêu cũng không đủ.”

“Em cũng đến đây để chơi với những đứa trẻ này,” Giang nói thêm trước khi nàng bị mấy đứa lôi đi xem đồ chơi mà chúng đang sản xuất ở phía sau nhà. 

Bác Thanh gật đầu đồng ý rồi tiếp tục chuyện trò với Tâm.

“Lũ trẻ mến cô nương vô cùng. Cô ấy giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, không những với những đồ vật mà cô ấy đem đến đây. Sự có mặt thường xuyên của cô nương tại đây luôn luôn nâng cao tinh thần của tất cả chúng tôi, cả trẻ lẫn già. Nhiều đứa bé xem cô ấy như là một người chị hay là một người mẹ trẻ tuổi.”

Sau đó Bác Thanh đưa Tâm vào trong nhà và dẫn đi xem mọi chỗ. Nhà trên có hai phòng, một phòng ngủ cho tất cả mọi người và một phòng ăn tập thể. Nhà bếp và nhà kho ở phía sau cùng với một sân có một cái giếng cung cấp nước cho cả nhà và cho vườn tược. Ngôi nhà và cách bố trí đơn giản làm Tâm nhớ đến ngôi trường làng cũng là nhà ở của mình.

“Thầy có thuộc vùng này không?” ông già hỏi. “Giọng nói của Thầy nghe lạ và khác dân nơi đây.”

“Tôi là người miền Bắc, đến đây thăm viếng thôi.”

“Thật là uổng, vì chỗ này cần có một người như Thầy. Cô nương cố gắng dạy bọn nhỏ đọc và viết, nhưng cô không thể nào dành tất cả thời giờ vào việc đó.”

“Có phải cô nương dạy chữ Quốc Ngữ mới không?”

“Đúng vậy. Có kẻ nói chữ Quốc Ngữ quá dễ so với chữ Hán, nhưng ít nhất bọn trẻ học được một cái gì đó.”

Tâm giật mình khi biết Giang đã dạy chữ Quốc Ngữ cho bấy nhiêu đứa trẻ và chàng không phải là học trò đầu tiên của nàng. Vì thế nàng đã tỏ ra đầy tự tin và năng lực. Nàng biết phải làm những gì, và đã đoán trước tất cả những câu hỏi của Tâm trong khi chàng học đọc và viết chữ Quốc Ngữ.

Vài phút sau, Giang quay lại với một đám trẻ nhỏ bao vây chung quanh nàng, đứa nắm tay, đứa khác nắm áo. Nàng nhìn xuống và nói:

“Giờ này hơi muộn rồi, và dù sao đây cũng là một chuyến viếng thăm bất ngờ. Bây giờ Thầy Tâm và cô phải đi về. Cô sẽ trở lại vào dịp khác.”

Một đứa bé gái đang bám lấy nàng nhìn Tâm bằng hai mắt to.

“Thầy này có trở lại đây không?”

Giang cười và chỉ vào Tâm.

“Cháu hỏi Thầy đi.” 

Chàng cúi xuống và vuốt nhẹ lên má đứa bé. Nó cười khúc khích và không quay mặt đi. Tâm nói:

“Cô bé ơi, Thầy sẽ còn trở lại đây nhiều lần nữa.”
(Còn tiếp)

Xem thêm
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-5/
https://www.toiyeutiengnuoctoi.com/thay-giao-lang-ky-4/

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights