Cạn hay lạn?

by Tim Bui
Phân biệt cải lương và vọng cổ

HAI DỐT

Tưởng giếng sâu, tôi nối sợi dây dài,
Ai dè giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây

Đây là câu ca dao tương đối phổ biến ở miền Nam. Câu ca dao mượn chuyện cái giếng để nói lên tâm trạng tiếc nuối của một người “lỡ đầu tư” vào một “cái gì đó” nhưng rồi cái gì đó không hoàn toàn như những gì đã thấy. Tỉ như một chàng trai bỏ công sức “đầu tư” để o cho được một cô gái con nhà giàu, giỏi giang, hiền dịu, tới chừng rước về nhà mới hay đó là một nàng “ác phụ, hỗn hào, chanh chua” số một thế giới! Hoặc một cô gái dành hết lòng yêu thương một chàng trai có vẻ ngoài “hào hoa phong nhã” nào ngờ về sống chung mới biết chàng là một tay “đểu giả lưu manh”! Đầu tư nhiều rồi thất vọng chắc chắn là nhiều. Tiếc lắm chứ!

Câu ca dao này cũng được rộng rãi cộng đồng lâu nay chấp nhận một cách đương nhiên. Nhiều giáo sư tiến sĩ còn cho rằng hai vế đối của ca dao rất chỉnh giữa hai chữ “sâu và cạn.”

Thế nhưng, từ nhỏ Hai tui đã nghe câu này hơi khang khác một chút.

Đó là: Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài/Ai dè giếng lạn, tôi tiếc hoài sợi dây.

Xin nhấn mạnh chữ “lạn.” Vậy cạn hay lạn là đúng?

Phân tích chữ nghĩa như sau:

Cạn theo lão đại Huỳnh Tịnh Paulus Của là “ít nước,” là “đối nghĩa với sâu.” Và giếng cạn là “giếng ít sâu,” “hết nước.

Còn lạn, cũng theo Huỳnh Tịnh Paulus Của là “rã ra, nát ra.” Chữ này nay đã thành tử ngữ, không thấy xuất hiện trong nhiều tự điển ngày nay nữa.

Nói về giếng thì sâu cạn lại là một vấn đề. Nhiều nơi chỉ đào xuống ba bốn thước là có nước. Cũng có nhiều nơi phải đào tới hai ba chục thước mới có nước. Người ta đào giếng để lấy nước chứ không phải để dò sâu hay cạn! Giếng mà không có nước thì… chỉ là chỗ để bỏ rác thôi! Giếng cạn còn có nghĩa là “ít nước” hoặc “không còn nước.” Giếng mà không có nước thì là cái gì? Tỉ như trong nhà có đủ đèn gắn khắp nơi nhưng “không có điện” thì các bóng đèn đó chỉ để trang trí cho vui chứ đâu ích chi!

Xưa, khi chưa có nước máy ở các đô thị, giếng là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Không chỉ đào giếng để sử dụng trong sinh hoạt gia đình mà người ta còn đào giếng trên các cánh đồng để lấy nước tưới cho hoa màu, cây trái… Vì vậy, giếng có nhiều nước hay bị “cạn” rất quan trọng. Và mỗi gia đình xài giếng của mình hàng ngày thì giếng sâu hay cạn, còn nhiều hay ít nước thì biết liền. Còn việc không biết giếng sâu hay cạn, nhiều hay ít nước, rõ ràng là “giếng lạ” mình chưa từng xài qua, chưa từng xách từ đó lên gàu nước nào.

Trong câu ca dao này có chữ “tưởng” nghĩa là cái giếng trong câu này là giếng lạ, giếng mà họ chưa biết bao giờ. Chỉ có chưa biết thì mới không biết giếng sâu hay cạn, còn nhiều hay ít nước! Trong câu ca dao này, Hai tui hình dung cái vị than thở này, ắt hẳn đi đường ngó thấy cái giếng trên cánh đồng, dòm xuống thấy sâu hun hút thì tin rằng giếng này rất sâu, rất nhiều nước. Dè đâu, sau khi chuẩn bị sợi dây thiệt dài để xách nước thì hóa ra giếng cạn nhách, mà nước thì đục ngầu, nên tiếc sợi dây?

Còn giếng lạn?

Xưa người ta thường đào giếng trước sân nhà hoặc sân giữa trong nhà giữa nhà trước và nhà sau nếu là nhà giàu để gia đình xài. Và nhà giàu luôn bo [xây quanh miệng giếng] bằng gạch hay đá để trời mưa nước dơ và bùn đất không tràn vào giếng. Còn nhà nghèo thì miệng giếng không bo và những giếng ở trên đồng để lấy nước tưới cũng vậy. Những giếng này, qua năm tháng, mưa gió nhiều, nước mưa đã kéo đất đá tràn xuống giếng khiến lòng giếng cạn dần. Những giếng bị đất đá tràn xuống nhiều tới mức nước dưới giếng cạn dần và đục vì bùn đất quá nhiều. Để có thể tiếp tục sử dụng, người ta phải “vét bùn” hàng năm để giếng có thể xài được. Những giếng bị bùn đất tràn vào được dân gian kêu là “giếng lạn.” Nhiều giếng bị bùn đất tràn vào quá nhiều, nếu không được vét bùn thường xuyên sẽ bị cạn dần tới mức có thể chỉ còn là một hố đất vô dụng!

Trong câu ca dao này, nói tới việc người ta gặp cái giếng ở giữa đồng chưa hề biết cái giếng mà họ muốn xách nước như thế nào, sâu hay cạn, nhiều hay ít nước, thậm chí không có nước. Nhiều giếng ở những vùng đất gò sâu vài chục thước, đứng trên miệng ngó xuống không thấy mặt nước ra sao. Nên khi muốn xách nước lên phải chuẩn bị sợi dây cho phù hợp. Để rồi…

Chữ tưởng trong câu ca dao, cho thấy người “đột xuất” gặp “cái giếng” lạ ở giữa đồng đương lúc “khát nước” nên phải nối sợi dây cho dài, để rồi… tiếc nuối!

Ở đời, ai học được chữ ngờ! Bởi vậy dân gian mới có câu “thấy vậy không phải vậy.” Thấy cái giếng tưởng có nhiều nước, ai dè nó đã khô cạn. Thấy người đẹp mã tưởng người tốt ai dè… ma quỷ hiện hình!Thôi thì đành chấp nhận để chờ thời… chạy thoát! Mà có thoát được hay không thì…hạ hồi phân giải!

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights