Nhớ mùa Noel năm ấy

by Tim Bui
Nhớ mùa Noel năm ấy

VY TRẦN

Tôi thi rớt đệ thất vào trường Chu Văn An nên phải học trường tư: trường trung học Đắc Lộ. Nhờ học trường này nên tôi quen biết, thân thiết với rất nhiều bạn bè theo đạo Công giáo. Nhờ vậy mà tôi biết pal, bum và ăn Réveillon lúc nửa đêm.

Nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ cuộc thi vô trường công bị rớt của tôi. Cuộc thi rớt đệ Thất năm xưa, gần 60 năm qua rồi, mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn còn thấy “tưng tức” trong bụng! Tức vì nếu tôi làm biếng, dốt thi rớt là chuyện hẳn nhiên, miễn bàn. Đằng này, tôi thi rớt chỉ vì… thiếu kiến thức! Vâng thiếu kiến thức. Và nếu hồi ấy tôi có tư duy của một nhà văn, ắt hẳn tôi đã viết một bài luận hấp dẫn dù có khi lạc đề, nhưng tỏ rõ rằng tôi có hiểu biết và cũng biết “tập làm văn!” Đằng này… tôi lại có tư duy của một người viết báo, không thấy, không biết là không nói, không viết được. Cho nên…

Tức vì không được học trường công như một số bạn bè khác khiến má tôi phải cực khổ nhiều năm, Hồi ấy, học trường công không tốn nhiều tiền bạc, điều mà một thằng nghèo như tôi mơ ước. Song ở đời, mơ ước và sự thật luôn không song hành với nhau. 

Nhà tôi nghèo nhất xóm và cái xóm nghèo ấy chỉ có tôi và một người nữa là chịu đi học cho tới đại học. Số còn lại hầu hết đều bỏ trường sau khi học xong tiểu học hoặc trung học đệ nhất cấp [giờ gọi là cấp 2] để làm công nhân, làm thợ hoặc buôn bán… Đến đỗi thằng bạn học tiểu học của tôi, cũng là hàng xóm, con một chủ tiệm chạp phô trong xóm, cứ nói “mày nghèo còn bày đặt đi học!”. “Bày đặt” chớ không phải “ráng” hay “cố gắng” nghe xóc hông muốn chết luôn. Tôi hỏi lại “không học nữa rồi lớn lên mày làm gì?”. “Ba tao là chủ tiệm chạp phô, mai mốt tao cũng làm chủ tiệm chạp phô!”. Thằng bạn ấy giờ cũng già yếu như tôi và cả đời của nó không được làm chủ tiệm chạp phô vì ba má nó chia cho thằng em út của nó, mà nó làm tài xế cho một trung tâm cấp cứu.

Còn nhà tôi thì nghèo lắm, đến nỗi cái restroom [xin lỗi các bạn] cũng không đàng hoàng. Nhà chỉ có hai cái giường với một cái đi văng. Tôi và mấy em trai ngủ trên đi văng, đứa nào đái dầm cũng ướt luôn mấy đứa khác nên má không biết đứa nào để đánh đòn! Má tôi, nửa đêm thức dậy bán chuối chiên ở cái chợ đêm trước nhà. Ban ngày thì bà bán bánh lọt, cóc ổi… nên bà có nickname là Bà Năm Chuối Chiên hay bà Năm Bánh Lọt! Tám tuổi tôi đã phải phụ má buôn bán lẫn giữ bầy em 4 đứa. Nào tắm rửa, giặt giũ, cho ăn uống, cõng đi chơi, dỗ ngủ…cùng nhiều công việc không tên khác nhưng tôi quyết không bỏ học.

Má tôi thường dặn “Con ráng học để sau này đỡ khổ!”. Nhưng số tôi “khổ” nên không được học trường công, phải học trường tư mỗi tháng phải đóng tiền trường đến đỗi nhà tôi có cái gì đáng tiền thì má bán hết để tôi kịp đóng tiền trường! Vì vậy khi bước vô đại học, tôi quyết học Văn Khoa để “trả thù” cuộc thi năm xưa, dù không biết “thù ai!”

Đề thi luận văn năm ấy là “Em hãy tả cây bàng trường em.” Bây giờ thì có nhắm mắt tôi cũng có thể viết hàng chục trang về cái cây này từ lá, trái; từ cây mọc ở thành phố, ở các đảo trên biển… khác nhau ra sao. Thế nhưng… khổ nỗi từ nhỏ cho tới khi đi thi, tôi chưa hề thấy bóng dáng cây bàng nó ra sao. Trường tôi học là một trường làng ở ngoại ô Sài Gòn. Sân trường chỉ trồng cây điệp và cây phượng, những loại cây mà dưới bóng mát tôi và các bạn bè bắn bi, đánh đáo, tạc hình… Những thằng bạn như Văn Xú Há, Châu Ngọc Minh, Thân, Tỵ, Phước… thường cà nanh với tôi về tài bắn đạn [bắn bi] hay đánh tán [đánh khăng]… Tài bắn bi tôi chấp tụi nó muốn tôi bắn ngón nào do tụi nó chọn. Ngón nào tôi cũng chơi và chơi ngon hơn tụi nó. Giờ thì tôi vẫn hơn tụi nó về nghề viết lách và thua tụi nó tài uống rượu!

Rớt đệ Thất, tôi phải học trường tư, trường trung học Đắc Lộ. Vụ này tôi không được chọn trường vì gần nhà tôi có mỗi trường trung học này thôi. Không biết do duyên số hay sao đó, nhờ học trường này mà tôi có rất nhiều bạn bè tốt và biết ông Đắc Lộ.

Tới nay, đứa nào cũng tròm trèm 70 tuổi, con đàn cháu đống, có bạn đã “đi về nơi xa lắm,” nhưng có dịp là chúng tôi gặp nhau uống cà phê và bàn chuyện đời! Thỉnh thoảng, còn ghé nhà thăm hỏi sức khỏe.

Riêng ông Đắc Lộ thì dường như tôi có duyên với ông. Khi ngồi học suốt 5 năm ở trường này, tôi chưa hề biết ông là ai, mặt mũi ra sao, làm gì mà được người đời sau đặt tên trường. Cho tới năm 1984, khi tòa soạn tôi làm việc chuyển về Trung tâm Đắc Lộ [cũng Đắc Lộ nữa] thì tôi mới biết mặt ông do trong sân tòa soạn có sẵn bức tượng bán thân của ông. (Lâu không ghé lại tòa soạn cũ không biết tượng ông còn chỗ cũ hay không). Và mất một thời gian nữa tôi mới biết ông là người đã có công in ra cuốn tự điển tiếng Việt đầu tiên, cuốn tự điển Việt Bồ La ra đời tại Roma năm 1651. Và phải mấy năm sau nữa tôi trở thành nhà báo đầu tiên viết sách về Chữ quốc ngữ, một điều mà chính bản thân tôi cũng không ngờ! 

Quả là duyên biết mấy!

Đắc Lộ là trường tư thục của công giáo. Hiệu trưởng là một linh mục có kinh nghiệm, từng là hiệu trưởng trường Nguyễn Bá Tòng Sài Gòn. Phải nhấn mạnh chữ Sài Gòn vì có tới 2 trường cùng tên Nguyễn Bá Tòng: một ở Gia Định trên đường Hoàng Hoa Thám, một ở Sài Gòn trên đường Bùi Thị Xuân, kế nhà thờ Huyện Sỹ. Do trường của công giáo nên đa phần học sinh là người công giáo con em của gia đình di cư năm 1954. Có lẽ tôi và một số không nhiều bạn khác là người miền Nam, không có đạo. Song mỗi khi vô lớp chúng tôi, cả người có đạo lẫn không đạo, đều phải đọc câu kinh “Lạy chúa, xin cho con được chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách, trau dồi đức hạnh”. Đã gần 60 năm rồi, tôi không chắc mình còn nhớ chính xác những câu kinh ấy đã đi theo tôi suốt những năm tháng sau này để làm người cho ra người.

Cuối năm đệ Tam [nay là lớp 10] tôi bỏ trường, học nhảy bỏ qua lớp đệ Nhị vì quá tuổi do bắt đầu đi học chậm một năm. Nếu không học nhảy thì tôi không kịp thi tú tài và ắt hẳn phải đi Đồng Đế. Sài Gòn khi ấy có câu ca dao:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ sanh con
Anh đi gìn giữ nước non
Anh về đã có Mỹ con đầy nhà!


Đồng Đế ở Nha Trang là quân trường huấn luyện hạ sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người thi rớt tú tài, tức chỉ học hết trung học nhưng không đủ điều kiện lên đại học, tới tuổi phải đi lính thì vô đây.

Vì sợ phải đi lính, khi đó chiến tranh lan tràn và rất nhiều bạn bè tôi chỉ đi lính sáu bảy tháng là được đưa về nhà trong cái hòm bọc kẽm. Thằng Đặng, bạn rất thân của tôi, một thời cùng nhau làm thơ văn con cóc, đi lính hơn sáu tháng rồi trở về trong cái hòm bọc kẽm. Bạn đồng ngũ của nó cho biết, nó ngồi hút thuốc và bị bắn tỉa khi đang gác trên chuồng cu ở Plei Me! Tôi do hồi nhỏ bị bịnh nên học trễ hơn bạn bè, vì vậy phải học nhảy, nếu không thì…

Cũng cuối năm đệ Tam, trước khi rời trường Đắc Lộ, tôi quen L. Nhà L. ở gần trường, L. người Bắc 54, đạo công giáo và là một nữ sinh rất đẹp [chỉ với tôi thôi], dễ thương. Mấy cô gái khi mới quen thấy cô nào cũng dễ thương, khi trở thành bà nội trợ rồi thì… Tôi hay nói vui với bạn bè “Mình rước về nhà một con mèo nuôi riết rồi nó thành con cọp!” Chúng tôi quen nhau qua một người bạn học mê văn nghệ trong đêm Giáng Sinh năm ấy.

Chúng tôi cùng ca hát, nhảy đầm [khiêu vũ] đi nhà thờ, rồi trở về nhà ăn Réveillon. Tình cảm của tuổi 18 chưa có gì sâu đậm lắm nhưng không được gặp nhau là…buồn! Chúng tôi hẹn hò gặp nhau ở nhà bạn, rồi đi chơi với nhau. Khi tôi đậu tú tài, vô đại học thì L. vẫn còn học trung học. Giáng sinh năm 1974, chúng tôi hẹn gặp nhau ở nhà người bạn ở cây xăng đôi Ngã tư Bảy Hiền. Với bộ áo dài để đi lễ [Giáng Sinh mà] L. tới trễ hơn hai tiếng đồng hồ. Tôi chở L. xuống nhà thờ Đức Bà Sài Gòn chơi và trả cô về nhà sau nửa đêm. Yêu nhau thời của tôi không tưng bừng như thanh niên ngày nay. Chúng tôi chỉ nắm tay, ôm ấp một chút và thì thầm với nhau về những chuyện đã qua hay sắp tới. Chúng tôi chen chúc trong đám đông bàn chuyện tương lai của hai đứa trong khi cô đứng cầu nguyện dưới chân tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Tôi hẹn với L. sẽ tới “trình diện” với ba mẹ cô khi tôi học năm cuối đại học.

Thế nhưng… đời ai biết được chữ ngờ. Cuối tháng 4 năm 1975, mọi sự thay đổi. Chính quyền mới thành lập. Khi đó, có tin đồn râm ran rằng “mấy cô để móng tay dài, sơn xanh đỏ sẽ bị rút móng” và “các cô gái tới tuổi sẽ buộc phải lấy mấy anh thương binh bộ đội.” Tôi thì bận túi bụi vì chuyện gia đình, chuyện học hành [sinh viên phải tới trường trình diện], chuyện đổi tiền, tham gia các chiến dịch X1, X2 ở Sài Gòn… không gặp được L., cũng không có tin tức gì. Khi tình hình bớt căng thẳng tôi ghé nhà thì L. đã lấy chồng! Gia đình cô, một gia đình di cư năm 1954 có nhiều hiểu biết về cộng sản, nên đã mau lẹ gả cô cho một anh hàng xóm. Có chồng để khỏi bị buộc phải lấy thương binh! Tôi tới kiếm, cô có nhà nhưng tránh mặt.
Vậy là tèng téng teng… cuộc chia tay không một lời từ giã.

Sau đó, khi làm việc ở Sài Gòn, mỗi mùa giáng sinh tôi thường đứng trước tượng Đức Mẹ trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn để…ngắm đám đông! Bởi tôi không phải là con chiên, cũng chẳng biết phải cầu nguyện gì. Và bởi, Giáng Sinh từ lâu đã trở thành một cuộc vui chơi của giới trẻ Sài Gòn. Riêng tôi, giáng sinh cùng L. đứng trước nhà thờ Đức Bà là một kỷ niệm khó nhạt nhòa. Không biết L. có như tôi không?

Nhà thơ Thế Lữ viết:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên


Câu ấy có lẽ đã vận vào tôi! Năm tháng đi qua, gần 40 năm sau tôi được tin, L. có gia đình lần 2 và đã định cư ở Hoa Kỳ. Mừng cho L. có cuộc sống tốt. Nhưng tôi vẫn mong một lần gặp lại song không biết để làm gì! Và mỗi khi thấy nhưng xóm nhà giăng đèn, làm hang đá thì lòng tôi lại bâng khuâng không biết tại vì sao.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights