Hồi ký của “Vua vọng cổ” Viễn Châu – kỳ 1

by Tim Bui
Hồi Ký của "Vua Vọng Cổ" Viễn Châu - Kỳ 1

THANH HIỆP

Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá 1924 – 2016) tên giấy tờ là Trương Văn Bảy, nghệ danh Bảy Bá, là danh cầm đàn tranh và soạn giả cải lương. Sinh ra ở Đôn Châu, Trà Cú tỉnh Trà Vinh, mê đàn tranh từ thuở nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra bài ca tân cổ giao duyên và đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời. Những bài ca cổ để đời của ông như Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Tư Ếch đi Sài Gòn…tới nay vẫn để lại trong lòng người mộ điệu nhiều cảm xúc. Nếu Út Trà Ôn được tôn vinh là “đệ nhất danh ca miền Nam” thì Viễn Châu được tôn xưng là “vua vọng cổ”, mà vọng cổ đã được cho là bài ca không thể thiếu trong sân khấu cải lương “phi vọng cổ bất thành cải lương”.

Trước khi là soạn giả, ông nổi danh với ngón đàn tranh điệu nghệ với nghệ danh Bảy Bá. Ai mê đàn ca tài tử không thể không nhớ các cuộc hòa đàn của ba tài danh Ba Tu (kìm), Năm Cơ (sến) và Bảy Bá (tranh) trên đài phát thanh Sài Gòn mỗi buổi trưa trước năm 1975…

Bản Hồi ký của “vua vọng cổ” Viễn Châu được nhà báo Thanh Hiệp chuẩn bị và viết trong những năm cuối đời của ông. Từ bản thảo này, chúng tôi trích một số phần để giúp bạn đọc Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi hiểu thêm về Viễn Châu và hoạt động của sân khấu cải lương trong những thập niên 1930-1970.

Cái số của tôi hên dữ lắm. Một thân, một mình đặt chân đến vùng đất được gọi là phồn hoa đô hội năm 19 tuổi, bỏ lại sau lưng một quá khứ say mê đàn ca tài tử. “Bảo bối” hiểu biết về nghề hát chỉ là những dịp được xem các gánh: Văn Võ hí ban, Bầu Phục, Bầu Lúa, Bầu Hùng… về làng sau mùa gặt. Tiếng trống thúc giục, tiếng loa quảng cáo vang dậy khắp làng. Tối đến trên mặt sông đuốc sáng rực trời, tiếng cười nói hân hoan khi ghe xuồng kéo nhau đi xem cải lương. Trên những bờ đê, trai gái đi giăng giăng, miệng cười, chân bước, ánh đuốc văng tàn rơi vãi như pháo bông trong mùa lễ hội ngày nay. 

Nhờ cha tôi là Hương cả xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nên mấy anh em nhạc công, nghệ sĩ, cả mấy ông bầu đều được mời đến nhà đờn ca, ăn uống no say. Tôi có dịp lân la làm quen, học lóm các ngón đờn khi được sự cho phép của cha mẹ. Thú thiệt trong nhà tôi có 3 người chị, 2 người anh và 1 người em út nhưng chỉ mỗi “Bảy Bá sao mà nó mê đờn, mê hát hỏng biết?”- giọng nói mắng yêu của má tôi mỗi khi thấy tôi mân mê cây đờn tranh. Sự say mê đó đồng điệu với cha tôi, vì ông cũng là người yêu thích đờn ca tài tử. 

Vậy đó, mê riết rồi quyết định đi. Tôi gạt nước mắt từ biệt cha mẹ trong đêm tối, mà chỉ dám đứng khoanh tay trước hàng ba nói thầm trong miệng, rồi xách cây đờn tranh khi sương còn đọng trên hàng dâm bụt. 

Tôi lên Sài Gòn năm 1943, khi đã đờn thạo các loại nhạc cụ: tranh, ghi ta, violon…và đã được nhiều cô chú trong làng khen nhờ sáng dạ, thông minh, chỉ cần dạy sơ qua đã biết. Ngón đờn của tôi chưa điêu luyện nhưng nghe có hồn. Cái nghề này đam mê là một lẽ, mà rứt được hồn từ trong tim, cho máu thắm vào sợi dây đồng ngân lên tiếng thương, tiếng oán lại là một chuyện khác. Có lẽ tâm hồn tôi dạt dào tình cảm, yêu thích văn thơ, dễ xúc động dù chỉ nghe tiếng chim kêu bầy trong buổi chiều giông, cũng chạnh lòng bâng khuâng. Cho nên khi học lóm các nghệ nhân đờn ca trong làng, tôi không chú tâm lắm đến kỹ thuật nhấn nhá mà thích đọc sự phiêu lưu, giải mã cảm xúc trong tâm hồn của họ mỗi khi tiếng đờn ngân lên. 

Cũng cái tật này mà tôi bị rầy hoài: “Chú Bảy kỳ vậy ta! Học kỹ thuật đờn hỏng chịu học, cứ theo hỏi tôi mang tâm trạng gì?”. Rầy vậy chứ mấy chú trong làng uống cạn chung rượu nóng rồi kể. Gia cảnh của họ sinh chuyện buồn. Có chú, vợ vì quá ghen đòi bỏ đi tu, có chú lúa thóc nợ chủ điền tới tháng tăng thêm vài chục giạ, có chú chưa chịu lấy ai vì còn mong chờ người yêu dù nàng đã làm vợ người khác… Kể rồi áp nhau đờn, bản Nam Ai quặng sầu đứt ruột. Tôi hiểu nguyên cớ cái gọi “ngón đờn có hồn”. Người nhạc sĩ trút cạn tâm tư nỗi niềm thì tiếng ngân của nó càng khao khát vươn tới sự an nhiên trong cõi đời. Mà trải nghiệm nào cũng đáng giá đối với anh em nhạc sĩ hết trơn. Tôi thấm thía vì sao âm nhạc cung đình Huế theo chân người khai phá vùng đất Nam Bộ nặng tiếng sầu u uất. Vì trong đó có tiếng sầu ly biệt cố hương, có sự chia cắt âm dương khi biết bao số phận, người thân lần lượt vĩnh biệt cõi đời trong vô vàn khốn khó của thiên nhiên, nơi mà cái giá của sự trù phú, khang trang hôm nay là xương máu, nước mắt, mồ hôi từng từng, lớp lớp con người khai hoang vùng đất phương Nam.  

Tôi lên Sài Gòn tá túc nhà anh bạn trên đường L’Esglise (nay là Trần Bình Trọng, quận 5). Rồi hỏi thăm tìm đến nhà nhạc sĩ Jean Tịnh – lúc đó là trưởng ban cổ nhạc Đài Phát thanh Sài Gòn. Anh phụ trách chương trình cổ nhạc mà ở Trà Vinh ngày nào tôi cũng lắng nghe. Gặp tôi anh hỏi: “Chú em biết đờn cây nào?”, “Dạ, cây nào em cũng học được một chút nhưng chắc tay có lẽ là đờn tranh”. “Vậy thử coi”. Tôi đờn cho anh nghe bản Nam Xuân, lúc đó tâm hồn tôi không nghĩ đến chuyện người ta nhận hay không nhận mình vào ban cổ nhạc, mà tôi nghĩ đến một ngày không xa, cha mẹ tôi nghe được tiếng đờn của Bảy Bá trên sóng radio, nên bài bản réo rắc, khoan thai. Nhạc sĩ Jean Tịnh thu nhận tôi vào đờn liền với một ban nhạc toàn là những danh cầm đương thời: Jean Tịnh (violon), Chín Hòa (kìm), Bảy Hàm (cò), Hai Biểu (tranh), Hai Thanh (kìm) và tôi (tranh). Danh ca thời đó ở đài là những giọng ca mà tôi mê mỗi khi nghe radio, nay được ngồi đờn để họ ca, thì còn gì sung sướng cho bằng: Cô Năm Cần Thơ, cô ba Vĩnh Long, Ngọc Nữ, Tư Bé (Kim Danh)… Mỗi lần thu thanh, tôi được trả công 2 đồng, mà bấy giờ vào nhà hàng Ái Huê ở Chợ Lớn, ăn một dĩa cơm chiên dương châu chỉ có 1 hào, còn ở mé chợ Bàu Sen mấy bà sẩm bán có mấy xu 1 dĩa. Mỗi tuần ban nhạc đờn 3 lần, tôi có 6 đồng. Mà sướng lắm, vì mấy chị nghệ sĩ sau khi thu âm lại rủ đi ăn. Không mất tiền mà còn học được nhiều chuyện hay cho cái máu thích tích tụ nỗi niềm của tôi. Chị Năm Cần Thơ lớn hơn tôi 6 tuổi. Chị bằng tuổi với anh Năm Cơ. Chị là người gây cho tôi ấn tượng mạnh vì cái tính dí dỏm, hồ hởi. Nó khác với tâm trạng lúc chị ca vọng cổ. Một lần ngồi trong bàn ăn tôi hỏi: “Chị Năm nè, tôi thắc mắc tại sao có hai trạng thái khác nhau trong con người của chị?”. Chị Năm cười lua một con tôm sú vô miệng, với tay lấy trái ớt hiểm cắn một miếng, vừa nhai chị vừa trả lời: “Cái nghề của mình vui ít buồn nhiều, hễ có cớ vui thì cứ vui đi”. Tôi suy nghĩ hoài câu nói của chị. Thăng trầm dâu bể do thời cuộc là một lẽ, vì đất nước mình chưa yên một ngày nào khi đồn bót Tây dày đặc. Vậy cái nghiệp cầm ca còn mang nặng nỗi niềm nào nữa?

Trở lại chuyện anh Mười Còn mà tôi may mắn được quen. Trái với tính cách chị Năm, anh Mười lúc nào cũng chau mày, suy tư. Tôi áp dụng ngay câu nói của chị Năm để tìm hiểu anh Mười, thì anh nói: “Tính cách của tôi vậy. Để tâm hồn an nhiên bên trong khó hơn chuyện thể hiện nó ra bên ngoài. Người như chị Năm Cần Thơ tưởng mạnh mẽ, lạc quan nhưng dễ tổn thương, suy sụp. Còn tôi, tập quen chịu đựng. Để sau này có đụng sóng gió thì không ngả”. Cắt ngang dòng suy tư của tôi, anh Mười nhấn mạnh: “Mà cái chuyện tôi tìm chú hỏng phải là chuyện này… Gánh anh Năm Châu chuẩn bị lưu diễn cuốn chiếu từ đây ra Hà Nội hát dài hạn, chú đi hông?”. Tôi nghe mở cờ trong bụng, vì đờn ở đài hoài cũng chán, không mở mang nghề nghiệp gì cho cam. Tôi hỏi: “Sao anh Mười lại kêu tôi?”… “Sáu Quý đờn tranh của gánh vì bịnh không đi được… Chú đi đi”. Tôi gật đầu. 

Hai ngày sau, chuyến xe lửa chở gánh hát Năm Châu đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ. Hát ở điểm nào cũng đông. Đó là lần đầu trong đời tôi được đi xe lửa ra tận Hà Nội. Tôi ngồi trong khoang nhìn hình ảnh bên đường. Đồng ruộng xanh thẳm, cò bay, chim lượn. Thấy cuộc đời của một thanh niên 19 tuổi sao đáng yêu đến vậy. Trước mặt tôi là một chân trời mới mà tôi sẽ học hỏi, khám phá nhiều điều mới lạ cho ngón đờn của mình. Tôi lại nói thầm trong miệng: “Thưa cha mẹ con đi!”.

Ở gánh Năm Châu kỹ thuật, lề lối đâu ra đó. Anh Năm trong mắt tôi là con người dễ gần gũi, có ánh mắt sáng rực và nụ cười chân thành. Nghe tôi đờn, anh thường biểu hiện sự đồng cảm bằng cách gật gật đầu rồi rít một hơi thuốc. Nghe danh của anh Năm khá lâu. Không ở đâu xa, ngay trong ban cổ nhạc ở Đài Phát thanh Sài Gòn, hễ nhắc tới tên anh (tác giả Nguyễn Thành Châu) ai nấy đều nể. Hồi đó làm gì có điện thoại di động, mạng xã hội để nắm bắt thông tin nhanh chóng như bây giờ, tiếng lành đồn xa về một người tài giỏi trong giới khiến tôi khao khát có dịp tận mặt. Thì nay, tôi đã ngồi trong ban nhạc cổ của gánh hát anh Năm, diễn suốt 2 tháng rưỡi từ Sài Gòn ra tới Hà Nội, qua các tuồng: Khi người điên biết yêu, Tấm lòng trinh, Hoa rơi cửa Phật (sau nầy đổi thành Lan và Điệp), Chị chồng tôi, Tư Sinh tử (Tìm hạnh phúc)…

Năm 1923, anh Năm Châu đã là kép chánh sáng giá nhất của Ban cải lương thầy Năm Tú ở Mỹ Tho. Anh là người tài giỏi, có ý chí và luôn nhìn xa trông rộng, nắm bắt tình thế để ứng biến cho nghề, cho sân khấu thần thông như một chiêm tinh gia. Thế nhưng anh lại không đoán được số phận long đong của con tim mình, mà có lẽ đây là cái bịnh chung (khó trị) của giới nghệ sĩ. 

Năm 1925, khi kép Hai Giỏi, con của bầu Hai Cu, gánh Nam Đồng Ban mất do bạo bịnh, anh Năm Châu được mời về thế vai. Đào chánh hát cặp với anh là cô Bảy Phùng Há, lúc đó cũng được mời về hát thế cho cô Năm Phỉ (chị của Bảy Nam, dì của Kim Cương), buồn vì chồng mất (Hai Giỏi), đã rời gánh hát ra đi biền biệt. Hai người tài Năm Châu- Phùng Há nhanh chóng trở thành “cặp đôi hoàn hảo”, vì xứng đào, xứng kép. Gánh hát Nam Đồng Ban phất lên đến đỉnh huy hoàng. Theo lời tâm sự của anh Năm Châu sau này khi có lúc anh em ngồi uống cà phê, thì mối tình chớm nở giữa anh và chị Bảy Phùng Há đã bị chia cắt khi xuất hiện nhạc sĩ Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung). Năm 1927, cô Bảy thành hôn với người nhạc sĩ giỏi Tư Chơi, người tác giả có 2 vở tuồng thành công: Khúc oan vô lượng và Tôi của ai?. Anh Năm buồn tình bỏ đoàn Nam Đồng Ban để qua đoàn Trần Đắc. Tôi còn nhớ anh kể với giọng buồn trầm đôi lúc nghẹn: “Tía nó biết không? Tôi hay tin cô Bảy chia tay với Tư Chơi, khi Bửu Chánh (con gái của NSND Phùng Há) mới 3 tuổi. Cô về gánh Huỳnh Kỳ của Bạch Công Tử (Phước George), muốn làm bầu để trả đũa Tư Chơi phụ cô mà theo cô đào lai Tiều, Kim Thoa. Nhưng khi tôi biết chuyện, muốn rời đoàn Trần Đắc để về Huỳnh Kỳ Ban, thì ông bầu Trần Đắc Nghĩa đã ký công tra khiến tôi không xoay xở kịp. Một lần nữa tôi trễ tàu nhìn cô Bảy sánh duyên với Bạch Công Tử”.

Tôi biết ở gánh Trần Đắc, anh Năm hát cặp với cô đào chánh Sáu Trâm. Anh Năm đã bỏ ra biết bao công phu để đào tạo cô đào trẻ trở thành một ngôi sao sáng rực. Kết quả họ đã thành hôn. Rồi ngang trái lại phủ trái ngang. Gánh Trần Đắc chiêu mộ thêm nhiều cô đào trẻ, cô Tư Sạng xuất hiện, nổi danh với anh Năm Châu qua vở Lỡ tay trót đã nhúng chàm; cô Sáu Ngọc Sương nổi lên với anh qua vở Một tối tân hôn; cô Thanh Loan bừng sáng với anh qua vở Hồn bướm mơ tiên; cô Năm Phỉ khi đã nguôi ngoai, quay về hát với anh được khen ngợi qua vở: Huyền Châu Nữ, Túy Hoa vương nữ… Lúc này cô Sáu Trâm ghen tức, cho rằng anh Năm o bế mấy cô đào, nhứt là có “tình ý” với cô Tư Sạng. Đang trong đêm hát, cô Sáu Trâm rời đoàn trong sự ngơ ngác của cả thảy nghệ sĩ. “Tía (anh Năm hay kêu tôi bằng tía) nó biết không? Chuyện gì tới đã tới, tôi gá nghĩa với Tư Sạng, sanh con đẻ cái, thì bên kia cô Bảy đã chia tay với Bạch Công Tử, nghe đâu gánh hát Huỳnh Kỳ rả trong ngày mùng 2 tết”- giọng anh Năm nặng trĩu nỗi lòng. Cuộc đời là một chuỗi lời hẹn ước nhưng không ráp mí lại với nhau nên nó cứ vòng vòng mù tịch. 

Anh Năm ở với cô Tư Sạng có 5 người con: Nguyễn Thành Văn (chủ rạp chiếu bóng Tây Đô thời đó), Nguyễn Ngọc Bê (sau này xuất gia đi tu), Nguyễn Trúc Thanh (đi kháng chiến, tập kết ra Bắc), Nguyễn Thanh Hương (cố NS Thanh Hương, người được công chúng gọi Đệ nhất đào thương, nữ danh ca miền Nam) và Nguyễn Thanh Trúc. 

Nghệ sĩ Út Trà Ôn và soạn giả Viễn Châu 

Năm 1948, anh Năm chung sống với người vợ thứ ba, đó là chị Kim Cúc, con gái của kịch sĩ tiền phong Bảy Nhiêu (tức Huỳnh Năng Nhiêu). Anh Năm có thêm 6 người con: 5 gái (Xuân Hợi, đờn piano rất giỏi), Nguyệt Thu (vợ của soạn giả Hoa Phượng), Kim Khánh, Ngọc Thanh và Hồng Dung (đạo diễn, hiện là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM) và 1 trai: Nguyễn Thành Long.  

Ở đoàn của anh Năm, tôi được trả lương 10 đồng/suất. Anh Năm và chị Kim Cúc thời đó hậu hĩ anh em nhạc công. Anh Năm thường nói: “Tía nó đờn hay, hay lắm”. Tôi rất mừng vì anh khen chân thành và có sự động viên, khích lệ. Gánh hát của anh có ban bệ, trật tự đâu ra đó. Tủ kiếng làm tuồng của đào kép chánh bao giờ cũng được đặt ngay trung tâm, anh em nhạc công thường được xếp ở nơi mát mẻ và có chỗ trống để tập dợt mỗi buổi sáng. Tôi biết Hà Nội qua chuyến đi này, phố phường nhỏ nhắn, xe lôi kéo mỗi bận trả 2 xu là được dạo ngang 36 phố phường tấp nập ngựa xe. Khán giả Hà Nội đón chào gánh hát của chúng tôi lịch lãm không kém gì các đại ban. Khách đi xem phụ nữ mặc áo dài, choàng khăn cổ. Đàn ông thì mặc veston, có những ông cụ áo dài khăn đóng chĩnh tề. Tiếng vỗ tay giòn giã kèm theo lời bình phẩm ngọt ngào như miếng bánh đậu xanh vàng ươm, thơm tho. Vở Khi người điên biết yêu (anh viết với Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở) có tổng cộng 30 câu vọng cổ, 16 bài bản, 4 ngâm lối và chủ yếu là thoại kịch. Tôi được anh Năm Châu rót vào hồn những câu thoại mang tính văn học. 

Cải lương sang trọng, quý phái là từ anh mà ra. Vì anh không thích kiểu hát bông đùa, cẩu thả. (còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights