Thầy giáo làng, kỳ 22

by Tim Bui

NGUYỄN TRỌNG HIỀN

Gần trưa hôm sau, Bà Trang lên xe ngựa của gia đình đến chợ Đông Ba. Bà xuống xe và đi nhanh về phía cửa hàng mà hai cô con gái bà đang trông nom. Khi thấy mẹ đến đột ngột, Mai đang nói chuyện với một khách hàng, vội quay lại.

“Mạ làm gì đến đây vậy?”

Bà Trang thở hổn hển, xua tay, và đi ra sau quán tìm cô con gái lớn. Giang ngồi bên chiếc bàn nhỏ, đang ghi chép vào quyển sổ cái những số mới nhất về hàng tồn kho và hàng bán được. Nàng nhìn lên, sửng sốt hoàn toàn.

“Mạ! Có chuyện gì vậy? Sao mạ đến đây? Có chuyện gì xảy ra ở nhà không?”

“Không, không! Cha con vừa nói với mạ rằng có một con tàu sẽ rời Tourane chiều nay, và mạ muốn con lên tàu cùng mạ. Mình sẽ đi Tourane. Trước đây mạ nghĩ rằng mình còn phải đợi thêm vài ngày nữa, cho nên mạ không nói với con sớm hơn. Con hãy bỏ tất cả mọi chuyện và đi với mạ ngay bây giờ.”
Giang đứng dậy, bối rối và choáng váng.

“Mạ, con không thể đi như thế này! Con chưa chuẩn bị gì cả. Tại sao chúng ta lại bất thình lình đi Tourane?”
“Mạ đã để những thứ cần thiết vào trong hai cái hòm, cho cả mẹ và con. Tất cả đã sẵn sàng, và mình phải đi ngay bây giờ. Con tàu sẽ không đợi mình đâu.”
“Nhưng, tại sao mạ lại muốn con đi?”
“Con đang giữ sổ sách nên con phải biết lý do tại sao. Hàng hóa của cửa hàng đang cạn kiệt rất nhanh chóng kể từ khi con và em con bắt đầu ra đây. Điều đó tốt và nó có nghĩa là cả hai con đều biết phải làm gì. Tuy nhiên, bây giờ mình cần phải đi mua thêm hàng hóa, đặc biệt là lụa và cả một số nữ trang nữa, để đem về đây bán. Đây sẽ là cơ hội tốt để con gặp gỡ các nhà cung cấp của mình để con học cách chọn hàng hóa và mặc cả với họ. Con cũng sẽ biết cách đóng gói và vận chuyển hàng hóa về đây. Việc vận chuyển hàng này cũng quan trọng không kém những gì hai con đang làm ở đây, và mạ muốn con đi cùng để con có kinh nghiệm với những vấn đề đó.”

Trong lúc bà Trang giải thích dài dòng, Mai đã đi vào căn phòng nhỏ phía sau cửa hàng. Ngay khi bà mẹ ngừng nói, nàng lên tiếng.

“Hãy để con đi cùng mạ nếu chị Giang không muốn. Con không ngại gặp lại Tourane đâu.”
“Con sẽ đi lần sau, nhưng bây giờ mạ muốn con ở lại đây và chăm sóc cha con ở nhà. Nhanh lên, Giang, chúng ta phải đi ngay lập tức!”

Bà giả vờ không nhìn thấy sự đau khổ của Giang và tiếp tục bước ra phía trước cửa hàng. Đi được vài bước, bà dừng lại, đảo mắt nhìn quanh quán đợi đứa con gái lớn. Giang nhìn em gái, nắm tay kéo vào sâu phía sau cửa hàng.

“Mạ, con ra ngay,” nàng nói. Sau khi khuất khỏi tầm nhìn của mẹ, nàng nhìn thẳng vào mắt em gái. Mai cũng ngạc nhiên không kém gì Giang.
“Em có thể gặp anh ấy tối nay trên đường về nhà, và nói cho anh ấy biết chị phải đi Tourane được không?”
Mai biết ngay chị muốn nói đến ai và trả lời liền.
“Có phải anh ấy mong đợi chị không? Ngày nào chị cũng đến thăm người ta mà!”
“Đừng có nói lớn tiếng, chị không muốn Mạ nghe thấy chúng mình. Chỉ cần nói cho anh ấy để anh ấy khỏi lo cho chị. Nói với anh ấy rằng chị không hề biết trước về chuyến đi này, và chị sẽ trở về ngay.”

Mai không thể không trêu chọc chị mình.

“Tại sao? Để anh ấy đợi chị và nhớ thương chị hằng ngày? Có gì trong đó cho em không?”

Giang bắt đầu rơm rớm nước mắt.
“Em không bao giờ có thể ngừng trêu chọc chị, phải không? Hứa với chị là em sẽ làm nhiệm vụ đó.”

Mai mủi lòng trước khuôn mặt đáng thương của chị.
“Em chỉ nói đùa thôi! Tất nhiên em sẽ cho anh ấy biết, em hứa. Chị đừng quên em cũng thương anh ấy, theo cách riêng của em.”
Giang tiếp tục van xin. “Và nếu anh ấy cần gì, bất cứ thứ gì, em… giúp anh ấy. Hãy làm theo những gì chị nói và chị sẽ mang về cho em một tác phẩm điêu khắc bằng đá tuyệt đẹp từ Ngũ Hành Sơn.”
“Bây giờ thì chị mới nói đúng hơn. Không có gì là miễn phí cả, kể cả giữa chị em với nhau.”

Cô kết thúc bằng một cái nháy mắt với Giang và dùng khuỷu tay đánh nhẹ vào người nàng.
“Thôi, chị đi đi. Cố gắng đừng để Mạ thấy chị khóc. Đi…”
Giang lau khô mắt và má mình, hít một hơi thật sâu, lấy lại bình tĩnh rồi bước ra chỗ bà mẹ đang chờ.

***

Sau khi chị mình đi rồi, Mai không còn hăng hái như trước. Nàng bơ phờ giải đáp thắc mắc của khách hàng, không còn nói đùa hay chọc ghẹo một số khách đàn ông ghé qua cửa hàng giả vờ mua lụa. Đến trưa, chợ Đông Ba vắng sớm hơn thường lệ nên Mai và chị giúp việc đồng ý đóng cửa hàng sớm.
Sau đó, khi hai người ra về, trời vẫn còn nóng và những đám mây gió mùa bắt đầu tụ lại trên bầu trời không có dấu hiệu sẽ sớm mang lại sự mát mẻ nào. Người giúp việc nhìn lên cao và nói.
“Mong phu nhân và tiểu thư về đến Cửa Hàn trước khi có bão.”
Mai gật đầu đồng ý. “Tôi cũng mong vậy, nhưng tôi không lo lắm. Những con tàu Pháp đó có động cơ chạy bằng hơi nước và có thể di chuyển rất nhanh trong bất cứ thời tiết nào.”
Bỗng nhiên nàng quay sang chị giúp việc và hỏi thẳng.
“Mi có báo cáo với mẹ tôi nơi chị tôi đi hàng ngày sau khi rời cửa hàng của mình không?”
Chị giúp việc nhìn xuống đất, mặt đỏ bừng và miệng lắp bắp.
“Dạ phải. Mẹ của cô hỏi cháu mỗi ngày khi cháu về nhà. Bà ấy muốn biết bất cứ điều gì xảy ra, đặc biệt là những điều về cô Giang.”
Mai trừng mắt nhìn chị giúp việc.
“Mi đã nói gì với bà ấy?”
“Chỉ có sự thật thôi! Cháu nói với bà rằng cô Giang đến gặp thầy Tâm, nhưng chỉ để băng bó vết thương và chăm sóc thầy, ngoài ra không có gì khác.”
Chị giúp việc thấy Mai càng lúc càng tức giận, và lườm mình với ánh mắt buộc tội. Chị cố gắng làm cho Mai bớt giận.
“Thưa cô, Thầy Tâm là một người đàn ông trung thực và đạo đức, và sẽ làm quan rất tốt khi sau khi thi đỗ.”
Chị giúp việc không dám nói thêm rằng Thầy Tâm cũng sẽ là người bạn đời lý tưởng của một trong hai chị em, nhất là Giang.
“Nếu vậy, tại sao mi lại hành động như một con gián điệp?”
“Mẹ cô không cho cháu lựa chọn nào khác. Cháu phải báo cáo tất cả  mọi chuyện với bà ấy. Cháu cũng nghĩ nói ra sự thật sẽ cho bà biết là  không có chuyện gì bất chính xảy ra giữa chị của cô và Thầy Tâm.”
Mai cười nhạt nhẽo. “Đấy, bây giờ mi hãy xem hậu quả của những báo cáo của mi. Cô Giang bị đẩy đi Cửa Hàn, và chúng ta phải đi nói với Thầy Tâm biết rằng lần này Thầy sẽ không thể thực sự gặp cô Giang được nữa.”
Chị giúp việc nhăn mặt và thở dài.
“Thật buồn quá, nhưng có lẽ đó là nghiệp chướng, là số phận của họ.”
“À không, mi đừng có nói như vậy! Chị tôi đã làm gì để phải chịu số phận đó?”
Người giúp việc ngạc nhiên trước sự nhiệt thành của Mai với câu sau cùng này. Niềm tin Phật giáo và những kinh nghiệm trong cuộc sống đã làm cho chị quen chấp nhận phần lớn những nghịch cảnh và bất hạnh của mình, nhưng rõ ràng cô chủ theo đạo Công Giáo không cùng quan điểm.
“Xin cô tha lỗi cho cháu. Cháu không cố tình nói thế.”
Khi gần đến cửa quán trọ, họ nhìn thấy Tâm đi bộ ngược trở lại từ hướng sông, mang trong tay một vật gì trông giống như một con châu chấu khổng lồ làm bằng lá sậy tết lại. Tâm cũng ngạc nhiên, nhưng có vẻ rất vui khi gặp họ. Nhìn thấy tâm trạng trên khuôn mặt của họ, chàng hỏi ngay.
“Có chuyện gì mà hai cô đến đây vào giờ này? Có phải còn quá sớm để mà đóng cửa hàng không?” 
Bằng ánh mắt, Mai ra hiệu cho chị giúp việc im lặng để nàng trả lời câu hỏi của Tâm.
“Em đóng cửa hàng sớm vì chị Giang muốn em đến nói với Thầy…” Mai không nói hết câu, và cố gắng tìm những chữ thích hợp, nghe không quá gay gắt.
Tâm cảm nhận được tâm trạng của Mai, nghe thấy âm điệu ngại ngùng và nhìn thấy nàng do dự.

“Có chuyện gì xảy ra cho chị Giang không?”
“Không… có,” Mai ấp úng trả lời rồi nhanh chóng tuôn ra sự thật. “Chị ấy phải đi Tourane với mẹ chúng em và sẽ vắng nhà một thời gian. Giang muốn em đến nói cho Thầy biết điều đó.”
Chàng quay mặt đi trong khi tay lắc con châu chấu đồ chơi.
“Chị Giang sẽ đi trong bao lâu?” chàng hỏi.
“Em không biết,” Mai trả lời và cố gắng đưa ra một lời giải thích hợp lý. “Chị Giang đi cùng mẹ để mua hàng hóa tại Tourane, vì vậy có thể sẽ đi khá lâu. Đó là chuyện mà mẹ đã quyết định vào phút chót, và chị Giang không hề biết trước. Chị ấy phải đi ngay và vì thế  không thể tự mình đến đây nói với Thầy.”
Chàng gật đầu để bày tỏ rằng chàng hiểu nhiều hơn những gì Mai nói với chàng. Mắt anh hướng về phía dòng sông, dán chặt vào một điểm xa xôi nào đó. Vì vậy, ba người đứng đó, im lặng, chẳng ai biết nói gì khác. Đột nhiên, họ nghe thấy giọng quen thuộc của chủ quán trọ, từ phía trong quán vội vã chạy ra.
“Thầy, thầy làm gì ở đây vậy? Thầy đi đâu cả ngày?”
Tâm làm như đón nhận câu hỏi đột ngột.
“Tôi đi thăm cô nhi viện và ở gần như cả ngày tại đó,” chàng trả lời và chờ đợi chủ quán giải thích sự hào hứng bất ngờ như vậy.
“Đó là lý do tại sao Thầy cầm con châu chấu đó,” chủ nhà trọ cười rạng rỡ. “Mấy đứa trẻ mồ côi làm những món đồ chơi này thật giỏi để mang ra chợ bán.”
Tâm quay sang Mai và đưa cho nàng con châu chấu đồ chơi.
“Vâng, và một trong những đứa trẻ nhất định đưa cho tôi con châu chấu mà nó vừa mới làm xong. Nó nói là để cho cô Giang.”
Chủ quán trọ, tuy nhiên, không bị phân tâm.
“Thầy chưa nghe tin chăng? Người ta đã niêm yết kết quả kỳ thi Đình tại Phu Văn Lâu. Thiên hạ đang đổ xô đến đó để xem tên. Thầy cũng phải đi nhìn tên của Thầy chứ.”
Chủ quán không nghi ngờ rằng Tâm có tên trong danh sách, và có thể còn là thủ khoa nữa. 
Mai quay sang người giúp việc và thốt lên.
“Đó là lý do tại sao chợ Đông Ba hôm nay vắng khách sớm như vậy!” 
Tuy nhiên, chị giúp việc dường như không nghe thấy nàng. Đôi mắt chị nhìn chằm chặp vào một cảnh tượng khác.
“Có lính tráng đang đến kìa!”
Tất cả đều quay lại nhìn. Một đoàn binh lính mặc đồng phục màu đen và đội mũ hình nón đang tiến về phía quán trọ. Họ mang theo súng trường và được dẫn đầu bởi một sĩ quan trên lưng một con ngựa. Tâm và nhóm người xung quanh chàng đứng yên nhìn toán lính tiến thẳng về phía quán trọ. Dân chúng tò mò bắt đầu ra khỏi các nhà cửa và cơ sở lân cận để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra.
Khi họ còn cách quán trọ một ngôi nhà, viên sĩ quan hét lên ra lệnh. Toán lính chia thành hai nhóm và chạy về phía quán trọ. Họ dàn ra hai bên Tâm và nhóm người nhỏ xung quanh chàng. Người chủ quán bồn chồn khi viên sĩ quan tiến đến gần. Bằng một giọng to và mạnh mẽ, người đàn ông ra lệnh:
“Gọi chủ quán ra đây.”
“Thưa Ngài, cháu đây,” chủ quán trọ nói với giọng run run.
Viên sĩ quan cố gắng điều khiển con ngựa của mình, nhưng con ngựa đang mất bình tĩnh trước tiếng hét của chính vị sĩ quan.
“Ở quán trọ này có người nào tên là Lê Duy Tâm không?”
Theo bản năng, Mai nắm lấy tay Tâm không cho chàng bước ra trả lời viên sĩ quan. Chàng liếc nhìn nàng một thoáng trước khi quay sang viên sĩ quan, và nói một cách bình tĩnh.
“Tôi đây là Lê Duy Tâm.”
Viên sĩ quan có vẻ ngạc nhiên khi thấy chàng đứng ngay trước mặt mình, nhất là bên cạnh với một thiếu nữ trẻ trông giống như người nước ngoài. Tuy nhiên, hắn bình tĩnh lại và cất giọng còn to hơn trước đó nữa.
“Lê Duy Tâm, hãy khấu đầu Hoàng Thượng và nhận chỉ dụ.”
Hắn giơ tay ra hiệu. Hai tên lính chạy đến đứng hai bên Tâm chĩa súng về phía chàng.
Mai buông tay chàng ra, đưa cả hai bàn tay lên mặt mình, há hốc mồm. Chị giúp việc và chủ quán bắt đầu run sợ. Tâm tái mặt nhìn chằm chằm vào viên sĩ quan rồi từ từ quỳ xuống đất với hai họng súng trường kèm theo chàng.
“Cúi đầu và đừng ngẩng lên cho đến khi ta cho phép mi!”
Với khẩu súng trường của mình, hai người lính ra hiệu cho Tâm thi hành lệnh của viên sĩ quan. Chàng chống cả hai tay lên trán, quỳ xuống và để đầu lên hai bàn tay đặt trên mặt đất.
“Lê Duy Tâm, vì tội phạm huý trong kỳ thi Đình, ngươi bị đày vào nhà giam Hoàng Gia để chờ đợi hình phạt do Hoàng Thượng ấn định. Kể từ lúc này, ngươi bị quản thúc bởi lính bảo vệ của Bộ Lễ.”
Tâm không thể tin nổi những gì mình vừa nghe. Tuyệt đối tránh phạm húy là một trong những nguyên tắc căn bản mà chàng bao giờ cũng tuân thủ mỗi khi đi thi. Lần này chàng lại càng cẩn thận hơn nữa, và đã đọc và ghi nhớ tất cả các từ trong danh sách những tên bị cấm chỉ được niêm yết ở lối ra vào của điện Cần Chánh.
Chàng hoàn toàn chắc chắn rằng mình đã không sử dụng bất cứ chữ phạm húy nào trong các bài thi của mình. Làm thế nào chàng có thể quên đi một chữ? Cách duy nhất có thể xảy ra là nếu sau đó có một chữ mới được thêm vào danh sách mà chàng không hề hay biết. Nhưng chàng đã xem danh sách mỗi ngày trước khi bước vào điện Cần Chánh, và chàng chưa bao giờ thấy một chữ mới nào được cho thêm vào danh sách.
“Lê Duy Tâm, đứng dậy để nhận gông!”
Chàng đứng lên, mặt đỏ bừng và đầu óc chàng bối rối bời những ý nghĩ mâu thuẫn và cảm xúc mạnh mẽ. Đằng sau chàng, Mai nói liên tục bằng tiếng Pháp “Mon Dieu, mon Dieu…” trong khi chị giúp việc sợ quá hoàn toàn không nói được tuy miệng há hốc.
“Phạm huý là cái gì? Đó thuộc loại tội phạm gì?” Mai tuyệt vọng lớn tiếng hỏi bất cứ ai.
Chủ quán trọ, người biết nhiều về các kỳ thi vì đã giao thiệp với nhiều học giả từng là khách của mình, trả lời bằng một giọng nói nhỏ nhẹ.
“Đó là tội sử dụng bất cứ tên nào của nhà Vua trong bài thi mà quên không sửa đổi cho khác đi.”

Lúc bấy giờ có nhiều người hơn nữa đang đứng nhìn, bao gồm tất cả những người giúp việc trong quán trọ đã bỏ dở công việc và nhiệm vụ của họ để chạy ra cửa trước. Dân chúng từ xa hơn cũng bị thu hút bởi sự hiện diện của binh lính và mệnh lệnh sắc bén của viên sĩ quan. Một số người mới đến trông giống như những học giả đang trên đường đi đến hoặc trở về từ Phu Văn Lâu. Họ vừa nói chuyện vừa chỉ trỏ vào Tâm lúc đó đang là trung tâm của mọi sự chú ý.

Hai người lính nữa bước tới mang theo một cái gông để đeo vào cổ Tâm. Gông là một dụng cụ kiềm chế, thường là một miếng gỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật được đặt chung quan đầu tù nhân. Gông có một lỗ ở giữa bao quanh cổ tù nhân và để đầu tù nhân nhô ra khỏi tấm gỗ. Khi chiếc gông to và nặng, người tù phải dùng cả hai tay đỡ nó mới có thể đứng vững được. Nếu gông đủ lớn, tù nhân sẽ mất khả năng tự ăn uống. Một loại gông khác, và loại được sử dụng trong trường hợp này, là một vật dụng nhỏ và nhẹ hơn trông giống như một cái thang ngắn và được làm bằng các đoạn gỗ. Phần giữa đi qua đầu và quanh cổ, và không cho tù nhân chuyển động. Hai tay của tù nhân bị trói vào hai đầu thang để ngăn tù nhân dùng tay thoát khỏi gông.

Diễu hành một tù nhân đeo gông qua các đường phố là một sự sỉ nhục tối thượng trước công chúng dành cho những tội phạm tồi tệ nhất, tù nhân chính trị hoặc chiến binh của kẻ thù. Theo lệnh của Bộ Lễ, Tâm được xếp vào loại thứ nhất. Chỉ có một điều an ủi duy nhất là chiếc gông của chàng không quá nặng để làm cho chàng phải cúi đầu xuống.

Sau khi những người lính trói tay chàng xong, Tâm nghĩ một trong những người ấy trông quen. Người đàn ông đó cố tình tránh nhìn thẳng vào chàng, nhưng liếc trộm chàng ngay lúc Tâm nhận ra hắn là người da ngăm đen đã tấn công và định đâm chàng ở gần chợ Đông Ba. Một tia ác ý hiện lên trong mắt hắn, nhưng hắn quay đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trước khi bị dẫn đi, Tâm chỉ kịp nhìn Mai một giây, không biết nói gì trước tai họa đã xảy ra.
“Mai, em đừng nói cho chị em biết về chuyện này,” chàng cầu xin.
“Em phải nói với chị chứ!” Mai trả lời ngay. “Nếu không thì chị ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho em. Em cũng sẽ nói với cha em. Anh đừng lo!”
Rồi nàng hét vào mặt viên sĩ quan.
“Ông định đưa anh ấy đi đâu?”
Người đàn ông nhìn Mai, không biết có nên nói gì với một thiếu nữ ngoại quốc nói tiếng Việt thành thạo. Ngập ngừng một chút, viên sĩ quan không trả lời, quay đi và ra lệnh cho binh lính của mình bắt đầu di chuyển.

Họ dẫn Tâm đi trước hàng trăm khán giả đang tụ tập xung quanh quán trọ. Hầu hết đều im lặng trước cảnh tượng đáng thương của người học giả bị làm nhục đang đi với cái gông quanh cổ, với những người lính có vũ trang theo sát chàng. Một số thắc mắc về mức độ nghiêm trọng của tội ác nào đã khiến chàng bị đối xử như một tên tội phạm thông thường.

Bản thân Mai muốn chạy về nhà gặp cha để nhờ ông can thiệp giúp Tâm và chấm dứt tình trạng khó khăn này. Cha nàng sẽ làm điều đó chứ? Chuyện đó có thể làm được không? Nàng không biết, nhưng nàng sẽ không bỏ cuộc cho đến khi giải quyết xong chuyện. Nàng không hiểu nhiều về vấn đề thi cử, nhưng những gì xảy ra trước mắt nàng chắc chắn không thể chấp nhận được. Bằng một cách nào đó, một sự bất công trắng trợn đã do ai đó thực hiện.

(Còn tiếp)

You may also like

Leave a Comment