Thoạt nhìn World Cup 2022 có vẻ là một thất bại về mặt quan hệ quần chúng cho Qatar.
Việc đứng ra tổ chức World Cup 2022 đã trở thành chiếc kính lúp cho hồ sơ nhân quyền của quốc gia dầu mỏ nhỏ bé này, phơi bày thay vì tô điểm cho cách đối xử của Qatar với giới LGBTQ, phụ nữ và dân lao động nhập cư. Thêm vào đó, thảm bại của đội tuyển quốc gia Qatar trong trận đấu đã khiến họ nhận kỷ lục đáng tiếc nhất của một nước chủ nhà trong lịch sử 92 năm của World Cup.
Nhưng với bán đảo vùng Vịnh giàu khí đốt này, chiến lợi phẩm thực sự của giải đấu đến từ những lãnh vực khác: Du khách hài lòng, giao dịch thương mại phát triển và sự công nhận của quốc tế có thể giúp Qatar có được nền an ninh quốc gia vững vàng hơn.
“Qatar có nhiều mục tiêu chính trị khi tổ chức sự kiện này.” Đó là nhận định của Danyel Reiche, phó giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown ở Qatar, đồng tác giả cuốn “Qatar và FIFA World Cup 2022: Chính trị, Tranh cãi, Thay đổi.”
Qatar đã dùng bóng đá để “thoát khỏi tình cảnh dường như ‘vô hình’ của một quốc gia nhỏ”, ông Reiche cho rằng World Cup 2022 cho phép Qatar “tạo thêm được ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế”.
Các quốc gia độc tài đang mong đánh bóng hình ảnh toàn cầu của mình cũng có thể xem sự kiện này như một họa đồ thiết kế để nghiên cứu. Trong trận chung kết gay cấn đến giây phút cuối giữa Pháp và Argentina, cả hai Lionel Messi và Kylian Mbappé đều chơi bóng đá cho câu lạc bộ Paris Saint Germain ở Pháp do Qatar làm chủ.
Bóng đá và ‘quyền lực mềm’
Chính trị có lẽ là chiến lợi phẩm lớn nhất cho Qatar, đất nước có diện tích chỉ bằng tiểu bang Connecticut, nằm cạnh Ả Rập Saudi và phía bên kia Vịnh Ba Tư, với đối thủ truyền kiếp của Riyadh là Iran. Qatar có lý do để lo lắng về vị trí của mình trên thế giới vì vừa thoát khỏi cuộc phong tỏa ngoại giao và giao thông kéo dài 5 năm do Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dẫn đầu.
Thế nhưng World Cup cho thấy các mối quan hệ vùng Vịnh này đã có sự tan băng đáng chú ý, Qatar, qua sự kiện này, dường như không còn là một quốc gia bị ruồng bỏ trong khu vực, mà là một nhân vật chủ chốt đã mời bạn bè đến dự một trong những bữa tiệc lớn nhất hành tinh, đồng thời chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng tăng của mình với Phương Tây.
Hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã bất ngờ đến thăm Qatar, ngay sau khi Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman tham dự lễ khai mạc World Cup 2022, trong đó ông đổi khăn choàng quốc gia với tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani.
Nhiều người cho rằng việc những vị chức sắc này đặt chân đến Qatar rất quan trọng, vì khi các nhà lãnh đạo đến một nước nào tham dự một sự kiện thể thao toàn cầu, họ sẽ ít có khuynh hướng phong tỏa, xâm lược hoặc can thiệp vào nội bộ quốc gia đó. Giới chuyên gia cũng cho rằng thái độ bày tỏ tình bạn cụ thể như vậy có thể mở đường cho sự hợp tác kinh tế và ngoại giao lớn hơn nữa giữa các nước trước đây từng là đối thủ trong khu vực.
Alexis Antoniades, phó giáo sư tại Đại học Georgetown ở Qatar, có liên kết với Quỹ Qatar, một tổ chức phi lợi nhuận do nhà nước đứng đầu, nói: “World Cup 2022 giúp Qatar thiết lập quyền lực phần mềm bằng cách giao tiếp với nhiều nhà lãnh đạo. Nó tương tự việc bạn mời tôi đến, dẫn tôi đi xem nhà và chúng ta có một ngày vui vẻ bên nhau.”
World Cup 2022 là sự kiện mỗi bốn năm lần đầu tiên được tổ chức tại Trung Đông và ở một quốc gia đa số theo đạo Hồi. Điều đó, tự nó đã đáng chú ý. Tuy nhiên, khi Qatar quyết định cấm bán bia trong khuôn viên sân vận động chỉ 48 giờ trước trận đấu đầu tiên, người hâm mộ và giới chuyên gia phương Tây đã rất kinh ngạc, không phải vì họ nhất thiết thèm rượu, mà bởi vì hành động này được xem là một bước ngoặt bất thường trước khi trận đấu diễn ra.
Antoniades và một số chuyên gia khác thì tin rằng khi làm thế, Qatar đã “biểu dương sức mạnh” bằng cách cho thấy họ có thể bẻ FIFA theo phong tục của xã hội Hồi giáo bảo thủ, bất kể điều đó có thể gây trở ngại cho mặt hậu cần.
Mặc dù hầu hết các quan chức phương Tây không tham dự lễ khai mạc, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Qatar ngày hôm sau để xem trận đấu mở màn giữa Hoa Kỳ với Xứ Wales.
Blinken lên tiếng trách Qatar về vấn đề nhân quyền, nhưng cũng khen ngợi sự tiến bộ của nước chủ nhà trong việc tổ chức World Cup. Là một quốc gia nhỏ bé nằm cạnh những nước khổng lồ trong khu vực, việc củng cố mối quan hệ với các đồng minh hùng mạnh Phương Tây là mục đích quan trọng. Đây là lý do chính khiến Qatar cho Mỹ đặt căn cứ không quân lớn nhất của mình ở Trung Đông.
Gần sân vận động mới lấp lánh của Qatar, trong các khách sạn đầy ắp những bữa tiệc ê hề thức ăn, giới đại gia sẽ tìm cách mở đường cho những thỏa thuận tương lai, chẳng hạn như thỏa thuận được công bố tuần trước, qua đó Qatar sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Đức trong 15 năm tới.
Đức, bỏ khí đốt của Nga, cũng là một trong những nước chỉ trích Qatar gay gắt nhất về vi phạm nhân quyền.
Xa hơn dầu khí
Hầu hết các quốc gia đứng ra tổ chức World Cup hoặc Thế vận hội Olympic làm thế với mục đích phát triển thương mại hoặc cải tạo cơ sở hạ tầng cần thiết. Qatar đã làm điều này ở một tầm vóc cực lớn, bơm khoảng 200 tỷ đô la vào tám sân vận động mới, một hệ thống tàu điện ngầm mới, khách sạn và đúng ra là cả một thành phố hoàn toàn mới, Lusail, được xây cất gần như từ đầu.
Đây là bước đi mạnh mẽ nhất của quốc gia có thủ đô trước đây trông không khác một làng đánh cá u tịch cho đến khi Qatar khám phá ra dầu mỏ vào thập niên 1940. Vào thập niên 1970, Qatar lại khám phá ra một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, trở thành nơi xuất khẩu lớn thứ ba sau Nga và Mỹ, biến vùng trời trước đây là một sa mạc thành một bức tranh hào nhoáng, đầy những tòa nhà chọc trời.
Trước tình trạng thế giới đang cố gắng chuyển qua năng lượng xanh, Qatar hiện có kế hoạch cho những phát triển xa hơn dầu mỏ và khí đốt. Giống các nước láng giềng trong vùng Vịnh, Qatar muốn trở thành một trung tâm quốc tế về ngoại giao, kinh doanh, thể thao, giải trí – và tất nhên là du lịch.
Nhiều người trong số 1 triệu người đến đây xem World Cup nói họ cảm thấy ngạc nhiên lý thú với không khí có vẻ an toàn và thân thiện do chủ nước chủ nhà tạo ra.
“Thật tuyệt vời, thành thật mà nói, Qatar đã có nỗ lực vượt bực trong việc tổ chức World Cup kỳ này,” du khách có tên Elias Damouni tuyên bố ở Sân vận động Quốc tế Khalifa, ngay bên ngoài Doha, trong trận đấu loại trực tiếp của đội tuyển nam giữa Hoa Kỳ với Hà Lan hôm thứ Bảy. Damouni mô tả Qatar là nơi “siêu an toàn, siêu vui vẻ, siêu thân thiện, và điều duy nhất tôi có thể nói là rất cảm ơn người Qatar.”
Một du khách khác, David Crabb, dành cả ngày để lang thang ở Souq Waqif, một khu chợ ở Doha. “Tôi chưa đến đây bao giờ nên chẳng biết nó sẽ như thế nào, nhưng thực sự người dân Qatar rất hiếu khách,” ông Crabb nói. “Mọi cuộc đấu đều rất hào hứng.”
Tất nhiên, không phải ai cũng có những phút thoải mái vô tư như vậy.
Đồng tính luyến ái bị cho là bất hợp pháp ở Qatar và dân lao động nhập cư ở đây bị đối xử tệ mặc dù Tổ chức Lao động Quốc tế, một cơ quan của Liên hiệp quốc gần đây đã đề nghị một số cải cách.
Một quan chức chính phủ Qatar, tuy thế, tuyên bố qua một văn bản rằng “Mọi du khách – không phân biệt gốc gác hay tín ngưỡng – đều được chào đón nồng nhiệt ở Qatar” và “Qatar không dung thứ cho sự phân biệt đối xử với bất kỳ ai.”
Văn bản trên khẳng định: World Cup là “chất xúc tác cho những thay đổi tích cực ở Qatar, cụ thể là những cải thiện về quyền của người lao động.”
Trong thời gian trước khi World Cup khai mạc, đã có nhiều cuộc tranh luận về vi phạm nhân quyền của Qatar, nhưng những tranh luận này lắng xuống khi giải đấu bắt đầu. Nhiều nhà báo phương Tây dường như đã bị thu hút bởi những diễn tiến suôn sẻ của World Cup 2022 cũng như những trận đấu ngoạn mục với nhiều kết quả bất ngờ.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak viết trên Twitter: “Qatar thật đáng khâm phục vì đã tổ chức được một kỳ World Cup rất tuyệt.”
Với nhiều người dân Qatar, những lời chỉ trích trước giải đấu bị cho là một sự phân tâm không cần phải có.
Antoniades tại Đại học Georgetown ở Qatar nhận định: “Dân ở đây hơi khó chịu và thất vọng trước cách đưa tin của báo chí phương Tây. Mọi người đều tự hào về những gì đất nước Qatar đã đạt được,” ông nói. “World Cup 2022 đã cho các nhà lãnh đạo đang cố gắng xây dựng nhiều thứ một cơ hội ngồi lại với nhau.”
“Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và đó phải là quan tâm chính của World Cup.” Ông nói thêm.