Phải làm gì khi trẻ em bị sốt?

by TYTNT

Trẻ nhỏ thường hay bị sốt. Mỗi lần như vậy, cha mẹ rất lo lắng.

Bài viết này trình bày một số kiến thức cần nắm vững để khi con cháu mình có bị sốt thì phụ huynh biết cách đối phó đúng mức và không phải lo lắng quá đáng.

Trước tiên quý vị nên hiểu một it về thân nhiệt của trẻ nhỏ:

– Nhiệt độ bình thường của trẻ nhỏ vào khoảng 36.5 – 37.5 độ C (97.7 – 99.5 độ F).

– Trẻ em xem như bị sốt khi thân nhiệt qua khỏi 38 độ C (100.4 độ F).

– Thân nhiệt của trẻ chưa đến 3 tháng hơn 38 độ C (100.4 độ F), trẻ em  3 -12 tháng hơn 39 độ C (102.2 độ F ) được xem là ở mức báo động.

– Trẻ em dưới 3 tuổi mà cơn sốt, dù dưới mức báo động, kéo dài hơn 72 tiếng đồng hồ thì cũng xem như ở mức độ báo động.

Sốt không phải là một bệnh mà là phản ứng tự nhiên của cơ thể với môi trường hoặc khi bị nhiễm vi trùng (bacteria) hoặc siêu vi trùng (virus). Triệu chứng sốt thường xảy ra nhất khi môi trường và thời tiết thay đổi, kế tiếp là trẻ có thể bị cảm lạnh (cold) hoặc cảm cúm (flu), còn lại là trẻ có thể bị những bệnh nhiễm trùng khác như sưng phổi chẳng hạn (pneumonia).

Phải làm gì khi trẻ em bị sốt?

Khi trẻ nhỏ bị sốt nhẹ ở nhiệt độ 38-39 độ C, phụ huynh không nên bấn loạn mà nên làm những điều sau đây:

Dùng nhiệt kế theo dõi thường xuyên mỗi 30 phút để xem nhiệt độ có lên đến mức báo động không. Nếu lên đến mức báo động thì phải đưa trẻ đến bác sĩ, phòng khám, hoặc bệnh viện để được điều trị đúng mức.

Nếu trẻ chỉ bị sốt nhẹ thì nên mặc quần áo nhẹ và thoáng, ngăn ngừa mất nước bằng cách cho uống nhiều nước, lau vùng trán và thân mình bằng nước mát để hạ nhiệt, có thể tắm trẻ bằng nước ấm. Việc dùng thuốc như Tylenol để hạ những cơn sốt nhẹ cho trẻ em là không cần thiết.

Những cơn sốt nhẹ ở trẻ em thường kéo dài khoảng 3 ngày thì dịu lại. Nếu trẻ bị cảm lạnh thì sau vài ngày bị sốt, trẻ sẽ trải qua giai đoạn chảy mũi và ho.

Ho là phản ứng của cơ thể khi cuống họng đang lành lại hay cơ thể cố gắng tống đàm vướng ở cuống họng nhất là khi trẻ đang nằm. Phụ huynh không nên nóng ruột quá đáng mà nên giúp trẻ dịu cơn ho.

Trong trường hợp như vậy, thì nên dùng nước mật ong pha với chanh hoặc kẹo ngậm hay thuốc ho cho trẻ em chế tạo bằng mật ong và chanh. Một phương pháp đông y khá hiệu nghiệm để giảm ho là bôi một ít dầu cù là hay tương tự vào giữa lòng bàn chân sau đó dán một miếng salonpas bịt lại. Phương pháp này sẽ giúp trẻ có một giấc ngủ ngon một cách tự nhiên thay vì dùng thuốc xi rô ho, có ảnh hưởng không tốt cho hệ thần kinh sau này.

Có một dụng cụ để hút nước mũi, thường dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, vì ở độ tuổi này, các cháu không có khả năng khạc nhổ đờm rải ra ngoài. Hút nước mũi cho trẻ trước khi đi ngủ và thỉnh thoảng vào ban đêm sẽ giúp cháu hạn chế bị nghẹt mũi và ho khi có đờm trong cuốn họng. Phụ huynh nên tham khảo với bác sĩ của trẻ xem có dùng dụng cụ này cho con em mình được hay không.

Trường hợp trẻ bị sốt nặng thì thường là trẻ có thể đã bị nhiễm vi trùng sưng phổi (pneumonia) hay có thể những bệnh nghiêm trọng khác. Trong những trường hợp như vậy, phụ huynh chỉ cố gắng làm hạ cơn sốt cho trẻ và lập tức nhờ đến sự điều trị của bác sĩ và bệnh viện.

Một số lời khuyên

Trong nhà nên có nhiệt kế để đo thân nhiệt. Loại tiện dụng nhất là đo qua trán hoặc lỗ tai của trẻ. Phụ huynh nên thông thạo cách sử dụng nhiệt kế trong nhà.

Vì sốt là phản ứng của cơ thể để đối phó với bệnh tật, cho nên nếu như thân nhiệt của trẻ không vượt qua mức báo động, thì nên để cơn sốt tự nhiên phát triển. Phụ huynh chỉ nên làm cho trẻ thoải mái hơn khi bị sốt bằng cách: mặc quần áo thoải mái, lau mặt và thân bằng nước mát, uống nhiều nước để chống bị mất nước, có thể tắm trẻ bằng nước ấm, cùng lắm mới phải dùng thuốc men để giảm sốt.

Khi bị sốt thì trẻ sẽ không muốn ăn. Phụ huynh nên dùng cháo và sữa để cung cấp dinh dưỡng cho cháu.

Không nên sử dụng thuốc Aspirin để điều trị sốt vì thuốc này có thể gây suy gan ở một số trẻ.

Ban đêm là lúc cơ thể có sức kháng cự yếu hơn ban ngày, cho nên có sự chuẩn bị tốt hơn.
 
Cuối cùng là phòng bệnh hơn trị bệnh. Phòng chống sốt và các căn bệnh khác lây lan phụ thuộc vào việc vệ sinh cá nhân của mỗi thành viên trong gia đình.
 
Người lớn nên làm những điều sau đây để giảm tối đa sự lây bệnh:
 
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc ích nhất là thuốc sát khuẩn.

– Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.

– Chích ngừa đúng lịch nhất là ngừa cảm cúm.

– Ăn nhiều rau quả.
 
Và để ý những điều này cho trẻ em:
 
– Dinh dưỡng có đủ vitamin C.

– Giảm sinh hoạt màn hình cho thần kinh trẻ bớt bị mệt mỏi.

– Tăng cường sinh hoạt vận động lành mạnh.
 
Khi một trẻ trong gia đình bị sốt, cơ hội lây lan đến những thành viên khác rất cao, nên làm những điều sau đây:

– Tạm thời cho trẻ nghỉ học một tuần.

– Cách biệt trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong gia đình.

– Mọi người nên dùng khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
 
Nội dung của bài viết này là cung cấp một số kiến thức y khoa cần thiết liên quan đến cơn sốt của trẻ em do kinh nghiệm bản thân của chúng tôi cùng với những sưu tầm liên quan. Bài viết không có mục đích thay thế những lời chỉ dẫn của bác sĩ.

Chúng tôi hy vọng những điều trình bày ở trên sẽ giúp cho quý phụ huynh có một số kiến thức căn bản hầu giúp cho con em mình vượt qua cơn sốt một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
 
Trân trọng
BAN BIÊN TẬP


You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights