Thấy gì quanh World Cup 2022 ở Qatar?

by TYTNT

Hiện nay giải bóng đá thế giới đang diễn ra ở Qatar. Nhưng theo giới mộ điệu Tây phương thì giải bóng đá kỳ này không được sôi động lắm. Vậy thì điều gì đã và đang xảy ra mà có ảnh hưởng đến một biến cố có tầm quan trọng cỡ lớn trên thế giới như vậy?

Vài nét về quốc gia chủ nhà Qatar

Qatar là một quốc gia năm ở châu Á, thuộc khu vực Tây Nam Á, nằm về phía đông của bán đảo Ả Rập, và bao bọc bởi vịnh Ba Tư ở phía Nam. Qatar chỉ có đường biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út.  Một eo biển thuộc vịnh Ba Tư chia tách Qatar khỏi đảo quốc láng giềng Bahrain, ngoài ra, đất nước này còn có biên giới hàng hải với Cộng hòa Ả Rập thống nhất (UAE) ở phía nam và Iran ở phía Tây.
 
Hiện nay, tổng dân số của Qatar là gần 3 triệu người với tôn giáo chính là Hồi giáo.

Điều đặc biệt là, trong tổng số dân số của Qatar chỉ có khoảng hơn 300.000 công dân mang quốc tịch Qatar hợp pháp, phần còn lại là người nước ngoài bao gồm cả những ngoại kiều cùng nhóm lao động nhập cư.

Qatar có diện tích khiêm tốn, song vị trí cùng tầm ảnh hưởng của họ trên thế giới lại không hề nhỏ, quốc gia này là một đồng minh kinh tế – quân sự thân cận của Hoa Kỳ, được công nhận là một cường quốc khu vực tại vùng Vịnh. 
 
Qatar sở hữu một nền kinh tế thị trường với thu nhập rất cao và là một quốc gia phát triển, dựa trên nền tảng là trữ lượng khí đốt thiên nhiên được ước tính lớn thứ 3 thế giới cùng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ. Qatar có mức thu nhập bình quân cao hàng đầu thế giới, được phân loại là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao và là quốc gia tiến bộ nhất trong thế giới Ả Rập về phát triển con người.
 
Tuy nhiên, mặc dù là một quốc gia giàu có, Qatar hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước cụ thể là vấn đề bất bình đẳng kinh tế – xã hội đặc biệt ở trong nhóm lao động nhập cư. Qatar là đối tượng của lệnh cấm vận ngoại giao và kinh tế của các nước láng giềng như: Ả Rập Xê Út, Cộng hòa Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Maldives, Mauritania, Yemen, và Ai Cập.

Bắt đầu vào tháng 6 năm 2017, Ả Rập Xê Út đã đề xuất xây dựng kênh đào Salwa , chạy dọc biên giới Ả Rập – Qatar, để biến Qatar thành một hòn đảo cô lập.

Nền bóng đá ở Qatar

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar, cả về số vận động viên và khán giả.

Ngay sau khi Liên đoàn bóng đá Qatar liên kết với FIFA vào năm 1970, một trong những giải thưởng quốc tế sớm nhất của đất nước đã đến vào năm 1981 khi đội tuyển U-20 quốc gia Qatar giành ngôi vị Á quân trước Tây Đức tại giải vô địch thế giới năm 1981.

Ở cấp độ cao, Qatar đã là chủ nhà tới hai lần tổ chức của AFC Asian Cup; lần đầu tiên là vào năm 1988 và lần thứ nhì vào năm 2011.

Lịch sử bóng đá của Qatar trở mình vào năm 2019 khi đội tuyển quốc gia của họ đá bại Nhật Bản 3-1 trong trận chung kết và đoạt chức vô địch AFC Asian Cup 2019 được tổ chức tại UAE. Trong suốt giải đấu này, họ đã thắng cả bảy trận và chỉ để thủng lưới một bàn duy nhất.
 
Tháng 2 năm 2010, Qatar giành quyền tổ chức Giải bóng đá vô địch thế giới 2022.

Thành công nầy của Qatar đã được chào đón nhiệt tình ở khu vực Vịnh Ba Tư vì đây là lần đầu tiên một quốc gia ở Trung Đông được chọn để tổ chức giải vô địch thế giới. Tuy nhiên, giá thầu đã bị lôi kéo vào nhiều tranh cãi, bao gồm các cáo buộc hối lộ và can thiệp vào cuộc điều tra về cáo buộc hối lộ.

Các hiệp hội bóng đá châu Âu cũng phản đối World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar vì nhiều lý do, từ tác động của nhiệt độ đến thể lực của cầu thủ đến sự gián đoạn có thể gây ra trong lịch thi đấu nội địa châu Âu trong mùa đông.
 
Vào tháng 5 năm 2014, quan chức bóng đá Qatar Mohammed bin Hammam đã bị buộc tội thanh toán tổng cộng 3 triệu bảng cho các quan chức để đổi lấy sự ủng hộ của họ với quyền tổ chức của Qatar. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của FIFA về quy trình đấu thầu vào tháng 11 năm 2014 đã xóa sạch mọi hành vi sai trái của Qatar.
 
Một tờ nhật báo quốc gia của Anh, đã sản xuất một bộ phim tài liệu ngắn có tên “Lạm dụng và bóc lột công nhân nhập cư chuẩn bị cho vương quốc vào năm 2022”. Một cuộc điều tra năm 2014 của The Guardian cho biết các công nhân nhập cư đang xây dựng các văn phòng sang trọng cho ban tổ chức World Cup 2022 đã không được trả tiền trong hơn một năm và hiện đang “làm việc bất hợp pháp từ các nhà trọ bị nhiễm gián.”

Năm 2014, nhiều người di cư Nepal tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022 đã chết với tốc độ một người cứ sau hai ngày. Ban tổ chức Qatar 2022 đã phản ứng lại nhiều cáo buộc khác nhau bằng cách tuyên bố rằng việc tổ chức World Cup tại Qatar sẽ đóng vai trò là “chất xúc tác cho sự thay đổi” trong khu vực.

World Cup 2022

(Hình: FIFA)

Qatar đang tiếp đãi 32 đội bóng, 831 cầu thủ và khoảng 1,5 triệu du khách. Họ xây dựng một ngôi làng cổ động viên bao gồm 6.000 cabin màu sắc rực rỡ, mỗi cabin có 2 giường đơn, tủ đầu giường, máy lạnh, nhà vệ sinh có vòi sen. Với những người hâm mộ giới bình dân, đây thực sự là lựa chọn tuyệt vời.

Nhưng sau một thời gian ngắn ở đây, các cổ động viên than phiền là máy điều hòa không khí hầu như không có tác dụng.
Nhiệt độ trong phòng luôn ở mức 27 độ C và máy thì kêu to như thể máy bay đang cất cánh. Ngoài ra các tiện nghi khác như chăn nệm bị chê là quá cứng không thích hợp cho du khách từ những nơi khác nhau trên thế giới.
 
Mặc dù mùa đông nhưng thời tiết ở Qatar vẫn rất nóng. Được dựng lên ở sa mạc, khu làng cổ động viên chìm trong gió cát và không có bóng cây. Rất khó tìm nơi trú ẩn dưới cái nóng thiêu đốt khoảng 32 độ C. Thảm cỏ nhân tạo mang lại màu xanh và cảm giác dịu mát, song thực tế càng khiến nhiệt độ tăng thêm khi sợi nylon hấp thụ nhiệt. Điều đáng nói là giá ở những cabin này không hề rẻ. Nó có giá từ 400 – 500 đôla mỗi đêm. 

Một trong những hưởng thụ của người du lịch, nhất là cổ động viên bóng đá là bia rượu. Nhưng các nhà hàng và cửa hàng tiện ích trong khu vực lại chưa nhận được giấy phép bán đồ uống có cồn. Du khách phải đi xa hơn để tới Công viên Al Bidda, nơi sẽ tổ chức FIFA Fan Festival mới mua được rượu.

Ngoài các cabin trong làng bóng đá, du khách có thể vào khách sạn, nhưng giá cả thì cực kỳ mắc mỏ. Giá bèo nhất cũng là 2.000 đôla một đêm. Phòng cao cấp có giá đến 5.000, còn sang hơn có thể nghỉ ngơi trên du thuyền với giá khoảng 10.000 một đêm.

Qatar ước tính sẽ có 130.000 phòng mỗi ngày trong suốt World Cup 2022. Nó bao gồm các cabin, lều trại, khách sạn và du thuyền. Tất nhiên là không đủ so với nhu cầu, vì vậy họ khuyến khích người hâm mộ lưu trú ở các quốc gia láng giềng và bắt máy bay tới xem trận đấu.
 
Chủ nhà Qatar “chơi sang” bật điều hòa 24 độ C bên trong cả 8 sân vận động Trận mở màn World Cup 2022 của đội tuyển Anh với Iran sẽ trở thành trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup diễn ra tại sân vận động sử dụng công nghệ điều hòa không khí đặc biệt.

Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) dự kiến sử dụng công nghệ làm mát bên trong cả 8 sân vận động của Qatar, dựa trên từng trận đấu cụ thể để đảm bảo các trận đấu không diễn ra ở nhiệt độ trên 24 độ C.

Được biết, công nghệ điều hòa không khí được sử dụng tại World Cup năm nay hoạt động bằng cách bơm không khí mát từ các lỗ thông hơi xung quanh sân vận động, tạo ra một bong bóng áp suất trong sân, vừa làm mát vừa thanh lọc không khí, thậm chí còn có thể tạo ra nhiệt độ khác nhau ở các khu vực khác nhau của sân.

Người phát minh ra công nghệ làm mát đặc biệt này là Tiến sĩ người Sudan, Saud Abdulaziz Abdul Ghani. Ông tự tin rằng, sẽ không có trở ngại nào khi áp dụng công nghệ làm mát của mình tại World Cup 2022, bởi công nghệ này đã hoạt động hoàn hảo tại nhiều trận đấu trong các giải đấu khác, trong đó có Arab Cup (Giải bóng đá các quốc gia Arab).

Ngoài ra, tại World Cup năm nay, nếu nhiệt độ cao hơn 32 độ C trong thời gian diễn ra trận đấu, các cầu thủ sẽ được nghỉ giải lao để giải nhiệt vào phút thứ 30 và 75, tùy thuộc vào quyết định của trọng tài.

Làn sóng tẩy chay

Theo truyền thông quốc tế, trong quá trình Qatar xây dựng cơ sở hạ tầng cho World Cup 2022, đã có hơn 6.500 công nhân nhập cư thiệt mạng vì sự thiếu an toàn lao động. Vấn đề này đã được nhắc đến trong 5 năm qua bởi các tổ chức nhân quyền, và làn sóng phản đối cuối cùng cũng lan đến giới bóng đá đỉnh cao. Trong các trận vòng loại trước đó, nhiều cầu thủ tuyển Na Uy, trong đó có siêu sao Erling Haaland, đã ra sân trong trận gặp Gibraltar với chiếc áo in dòng chữ “Human rights, on and off the pitch” (Nhân quyền, trong và ngoài sân cỏ).
 
Hành động của đội tuyển Na Uy lập tức tạo hiệu ứng lan tỏa. Một ngày sau đó, 11 cầu thủ đá chính của tuyển Đức trong trận gặp Iceland đã cùng mặc áo in các chữ cái xếp thành cụm từ “Human rights” (Nhân quyền). Tuyển Hà Lan cũng hưởng ứng tương tự trong trận gặp Latvia.

Một cuộc biểu tình quy mô đang được lan rộng nhằm buộc FIFA đối mặt với vấn đề họ đã né tránh suốt nhiều năm qua. Nhiều tổ chức nhân quyền muốn FIFA, cũng như làng bóng đá đỉnh cao, phải gây sức ép trực tiếp với nước chủ nhà Qatar.
 
Mọi chuyện có thể sẽ không dừng lại ở mức mặc áo phản đối. Tổ chức ProFans ở Đức đã yêu cầu LĐBĐ Đức không cử đội tuyển quốc gia tham dự World Cup 2022 ở Qatar vì “sẽ là vô đạo đức nếu chúng ta hiện diện ở một ngày hội bóng đá xa hoa trên ngôi mộ của hàng ngàn người lao động nhập cư”.

Cuối cùng đội tuyển Đức cũng đến Qatar tham dự, nhưng giới mộ điệu bóng đá của Đức cũng như đại đa số của Âu châu vẫn tiếp tục cực lực tẩy chay. Số lượng cổ động viên đến Qatar ủng hộ đội nhà rất ít. Không những vậy, ngay tại quốc gia của họ, số lượng người theo dõi giải  kỳ này cũng không nhiệt tình lắm so với giải của những  năm về trước.

Có làm khó được Qatar không? 

Những động thái nói trên có thực sự thay đổi được những gì đang diễn ra ở Qatar?

Phải thừa nhận một sự thật rằng Qatar ngày càng nắm tầm ảnh hưởng cực lớn trong thế giới bóng đá đỉnh cao. Hãy thử liệt kê những Câu lạc bộ hàng đầu thế giới có liên quan đến Qatar.

Bayern Munich, AS Roma, Boca Juniors và Eupen (Bỉ) là những đội bóng đang có hợp đồng tài trợ với Hãng hàng không Qatar Airways. PSG tồn tại trực tiếp từ bầu sữa Qatar Sport Invesment của tỉ phú Nasser Al-Khelaifi. Barcelona cũng nhiều năm trời được tài trợ áo đấu bởi Qatar Airways; tuy hợp đồng này đã tạm ngừng nhưng Barca vẫn còn nhiều mối quan hệ với các đối tác đến từ Qatar dựa trên hệ thống Học viện Aspire.
 
Trên hết là mối quan hệ với FIFA. Suốt 10 năm qua, hàng loạt cuộc điều tra của phương Tây cho thấy các quan chức FIFA đã nhận hối lộ từ Qatar trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2022 như thế nào. Quá trình hối lộ đã bị phơi bày trước ánh sáng, nhưng kết quả thì không thể thay đổi.

Kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông vẫn diễn ra như kế hoạch. Thậm chí, bóng đá thế giới phải thay đổi vì nó.

Qatar – một xứ sở lạ lẫm, một lịch thi đấu lạ lẫm với các ngôi sao bóng đá. Nhưng tất cả buộc phải chấp nhận vì quyền lực của đồng tiền. Tờ Latin American Post khẳng định Qatar đã chi khoảng 100 tỉ USD cho toàn bộ những công tác liên quan đến việc chuẩn bị World Cup 2022.

 BAN BIÊN TẬP

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights