Tiếng ru còn mãi trong ta

by TYTNT

AN MIÊN

Tự thuở nào tiếng ru thoạt ngân nga trong khoảng không gian êm ả? Và ai đã cất tiếng ru đầu tiên cho nhân loại trở mình với nguồn tâm linh vi diệu ấy? Có lẽ cũng không cần thiết khúc mắc về khởi đầu của tiếng ru, mà hãy tự để phút giây nào đó thật tình cờ, thật bất ngờ… và thinh lặng, ta sẽ hiểu cái cảm giác tiếng ru như một “Lời Thiên Thu Gọi” mà Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn đã viết lời:

Về trong phố xưa tôi nằm
Có lần nghe tiếng ru bên vườn
Chợt như xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng…”

Chỉ là tiếng ru trong phố xưa bên vườn ấy mà cả tâm linh như trút bỏ mảnh hình hài nặng nề này, để thoát thực tại về lại cánh đồng vắng lặng… Phải chăng khi tâm con ngưòi ta thật dung dị, thật vô nhiễm thì thần thức và tâm linh thành khoảng không chẳng hợp mà cũng chẳng tan, chỉ như thế và như thế… như thoáng của xa xưa, của thực tại, dịu êm như một tiếng ru.

Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”
(Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa- Nguyễn Duy)

Tiếng ru còn gọi là hát ru, hay ru, đã từ lâu là phương cách dỗ trẻ nhỏ ngủ yên. Những lời ru phần lớn là ca dao, đồng dao, thơ hoặc hò dân gian được di dưỡng từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ Bà ru Mẹ, Mẹ ru con… rồi con thành Mẹ, tuần tự theo một nhịp sống tự nhiên rồi trở thành tiếng lòng, thành mảnh đời tâm linh gắn bó thiêng liêng.

Trong hát ru, lời (ca từ) là chủ ý, còn giai điệu (nhạc lý) thì không nhất thiết, mỗi dân tộc, mỗi người Mẹ có một giọng cuốn hút riêng mà luôn là đặc biệt thân thuộc êm ái cho con mình những ấn tượng sâu sắc mãi về sau.

“Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương…”
(Ca Dao Mẹ – Trịnh Công Sơn)

Con là phần thân thể của mẹ, máu thịt ấy mẹ tạo ra thân xác này, còn ngôn ngữ yêu thương tiếng mẹ, là bú mớm tinh thần để cho con một xác nhận:Dân tộc.

Tiếng quê hương, qua lời ru của mẹ thấm dần vào tim, vào huyết mạch, vào trí óc non nớt nhưng mạnh mẽ vô ngần, cho dù sau này khi khôn lớn luân lạc bao năm trên xứ người văn minh, nhưng sẽ có lúc nào đó, tiếng ru xưa mơ hồ quen thuộc sống lại trong con.

Điều này đã được các nhà khoa học xác thực qua bao nghiên cứu và thống kê.

”Thai nhi trong tử cung bắt đầu nghe được tiếng động và giọng của mẹ từ tháng thứ 4 (mặc dù hệ thống tai-nghe hoàn thành vào tháng thứ 6). Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mặc dù thai nhi nằm trong nước ối và được bao bọc bởi nhiều lớp cơ, màng, có thể nghe được tiếng động, tiếng nhạc, nhịp nhanh chậm, tông độ cao thấp, v.v… gần như chính xác. Tiếng nói của mẹ có cường độ mạnh vì truyền theo cơ thể thẳng vào tử cung. (Busnel, Granier-Deberre, and Lecanuet 1992).

Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Chỉ qua 5 giây, tiếng động kích thích có thể làm thay đổi nhịp tim kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Nhiều tiếng nhạc làm thay đổi chuyển hóa. Trong một cuộc khảo cứu, khi trẻ sinh thiếu tháng được cho nghe bài nhạc “Lullabye” của Brahms 5 phút, 6 lần mỗi ngày rõ ràng có lớn nhanh hơn những trẻ tương tự. (Chapman, 1975).

Nhịp điệu của bài hát đem lại cảm giác “an toàn” có thể vì làm nhớ lại nhịp điệu tim đập nghe được từ những ngày tháng còn trong lòng mẹ. Giọng nói, tiếng ru của mẹ bên tai cho trẻ biết đang được người bảo bọc.”(Trích trong Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia).

Khi tôi gọi tiếng ru là tấu khúc không giai điệu, bởi lẽ ru không cần phải “tông”, phải cung bậc, phải tiết điệu nào thì ta mới được chấp nhận đó là hát ru. Khi ru thì cứ cất tiếng ru, cái trầm bổng, cái thì thầm, cái véo von, cái âm thanh tự tình ấy, muôn thuở vẫn ngọt ngào, vẫn tha thiết dâng dâng tình yêu mến.

Mẹ ngồi ru con
Đong đưa võng buồn
Đong đưa võng buồn
Mẹ ngồi ru con
Mây qua đầu ghềnh
Lạy trời mưa tuôn
Lạy trời mưa tuôn
Cho đất sợi mềm
Hạt mầm vun lên…”
(Ca Dao Mẹ – TCS)

Nơi mảnh đất mà bao năm dài chiến chinh đói khổ, ngay cả tiếng ru con cũng cam chịu, cũng trông mong, nhưng luôn đầy hy vọng. Ru không chỉ đơn thuần là ru trẻ ngủ, ru còn là lời tâm sự, tự thán cho hoàn cảnh của người ru:

“Ầu…ơ… gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…”
(Ca Dao)

Việt Nam ta có ba miền Bắc-Trung-Nam, mỗi miền có phong cách âm hưởng Ru khác biệt nhưng tựu chung cũng là những tấu khúc tâm linh đóng góp cho văn hoá Việt thêm phong phú.

Miền Bắc: điệu ru à… à… ơi… à… mang thanh sắc pha trộn giữa ru hời, chèo cổ, thơ vịnh, trống quân, ả đào… v… v… thêm vào, lại là nơi phôi thai một nền văn hiến hàng ngàn năm văn vật, nên Ru toả ra âm điệu tiết tấu êm dịu nhưng khí phách, tha thiết nhưng vẫn bền tâm.

“À…a…à…ơi…
Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay

À… ơi…
Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất quân…”

Hay

“À ơi …
Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm Lộn cổ xuống ao
À ơi …
Ông ơi, ông vớt tôi nào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

À ơi …
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục Đau lòng cò con…”

Miền Trung: Ru vang vọng như tiếng Hò thênh thang chuyên chở nỗi niềm sâu lắng, cách phát âm khác lạ duyên dáng của miền giữa như hơi thở thì thầm mơn man từng âm điệu và lắng đọng trong hồn người nghe; như con đò xinh xinh nhịp nhàng trôi trên dòng sông Hương thơ mộng.

Bạn hàng trước ngõ
Cây hương bên tàu
nhỏ nhụy thơm xa
(Chớ) anh có đi mô lâu
cũng nhớ ghé vô thăm chén ngọc ve ngà
dù gần cũng nghĩa
dù xa cũng tình…

Nhắc đến “Tình” và “Nghĩa” trong Hò Huế mà không lời thành kính với Thượng Thư Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cả một thiếu xót lớn. Ông là tác giả của nhiều câu hò Huế chuẩn mực, cả về lời lẫn nhạc điệu, đầy chất thơ, chất Huế, không những làm xao lòng người Huế mà còn làm rung động biết bao con tim của những người ghé Huế trong và ngoài nước…

Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên song
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non…

Nam bộ: Ru lại chuyển cách thật nhịp nhàng, bình dị mà không mất chất thiết tha, da diết. Có ai đã từng một buổi trưa hè, trên con đường làng hai bên ngát xanh ruộng lúa; xa xa hàng dừa cao xum xuê trái lúc tỏ lúc khuất dưới những tàu lá rung rinh trong nắng gió hiu hiu… rồi vang vang tiếng ru:

Ầu ơ … ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập gềnh khó qua…

Ầu ơ …
Khó qua mẹ dắt con qua…
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời…

Thật dung dị, thật hiền hoà, nhưng sao ấm lòng chi lạ. Có lẽ tiếng ru tuy tầm thường, đơn giản không hình thức mà lại chính là đỉnh cao của thi ca nghệ thuật tâm linh. Nói thế không phải muốn tô vẽ “ấn tượng” cho tiếng ru; mà vì tính chất đơn giản đậm nghĩa tình ấy, đã đưa tiếng ru lên đỉnh cao của nghệ thuật.

Ru con giấc ngủ giấc ngủ trưa nồng
Như bông sen nở giữa đồng lúa xanh
Ru con giấc ngủ, giấc ngủ yên lành
Cơn mưa mùa hè về quanh chốn năm
Ru con mẹ hát, mẹ hát lời trầm
Mong con khôn lớn như mầm lúa non
Ru con tình nghĩa, tình nghĩa vuông tròn
Câu ca dao nào vẫn còn trong con
(Ầu Ơ… Lý Ru Con -Trương Quang Tuấn)

Qua tiếng ru, văn hoá dân tộc, tình quê hương, tình thương yêu nảy nở kỳ diệu, người ru thì tâm hồn như thánh thoát nỗi lòng, trẻ nghe ru thì tâm trí như gieo mầm nẩy nở chiều sâu cảm xúc, để khoan khoái dần vào giấc ngủ êm đềm nhưng trong tiềm thức vẫn còn đó mãi tiếng ru. Khi đã là tâm ứng thì tiếng ru không chỉ dừng lại, giới hạn riêng, mẹ ru con, bà ru cháu, chị ru em. Tiếng ru có khi chuyển thành lời tự tình của trái tim yêu.

“Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à…ơi”
(Ru Tình-TCS)

Tình yêu mà ru thành tấu khúc thì có lẽ chỉ có Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn là người ru hồn nhiên, thênh thang tròn âm hưởng nhất. Chất tình trong tiếng ru của ông là tình của hai hệ lụy giữa đạo và đời.

“Ru từng ngọt bùi đã qua
Ru người lận đận héo khô
Yêu em yêu thêm tình phụ
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ
Giữa thực và mộng.

Ru em ngủ những đêm khuya
Ru em ngủ tháng âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em ru em dù đã chia xa…
(Ru Em-TCS)

Xa mà vẫn vọng mãi lời ru, ru cho dù trong tận cùng của buồn tủi phận người, của vị chua xót khi ru… ”em phụ rẫy trong ta”, “em quỳ gối vong nô”, “em thèm khát xa hoa”, “em đầy những đam mê”, ru dù bão tố “em chìm dưới phong ba”… rồi từ đó tiếng ru thăng hoa thành niềm hy vọng của một ngày mới, tái sinh trong khổ đau dĩ vãng.

“Cuối đời còn gì nữa đâu
Đã tàn mộng mị khát khao
Đôi khi con tim hò hẹn
Ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu.”
(Ru Em-TCS)

Khi thấy khởi đầu, thì chính là lúc có gì vừa kết thúc. Đó là quy luật tự nhiên khi tìm ra sự đốn ngộ để chấm dứt u mê. Nói khác đi phải mất mát, phải khổ đau chiến tranh tang tóc, thì ta mới vỡ lẽ và biết trân quý nắm giữ hạnh phúc bình yên; và cũng thế, khi tiếng ru trở thành tấu khúc tâm linh thì lời ru đã gần như hiếm hoi xa vắng. Văn minh hội nhập xứ người đã tràn lan quá nhanh chóng khiến người Việt xa quê dần lãng quên tiếng ru thân yêu ngày ấy, còn, nếu có chăng, cũng chỉ là lẻ loi, lặng lẽ.

Mười lăm năm lưu lạc nhục nhằn Vương Thuý Kiều đã chuyển cung đàn nhỏ máu thành giọt lệ tương phùng với KimTrọng. Khúc “Đoạn Trường” thành khúc tình thâm. Đó cũng là sự đốn ngộ của nghệ thuật âm nhạc.

Thôi thì ta cứ cất giữ trong tâm linh một tiếng ru, cho dù ru con, ru đời, ru người, ru em, ru tình, thậm chí ru ta; để mai sau… rồi một mai sau:

“Rồi một mai con đã lớn khôn rồi
Con thôi thơ ấu (…… a)
Mẹ rời thật mau
Mẹ rời chiêm bao
Đời mẹ ru con
Bao lâu mỏi mòn
Nên lâu cũng mỏi mòn
Bây giờ mẹ nằm
Lá đổ ngoài sân
Lá đổ ngoài sân
Lá đổ ngoài sân…”

(TCS)

Khoảng không gian chợt ngưng đọng và tĩnh lặng; vũ trụ như bất động vô hình tướng; vạn vật như chơi vơi… chơi vơi… trong thanh âm lung linh vi ảo: Tiếng ru còn mãi trong ta.

You may also like

Leave a Comment

Verified by MonsterInsights